Wednesday, August 14, 2013

Gốc của trăm nết, nhịn là trên hết

 
"Phi nhân bất nhẫn, bất nhẫn phi nhân" dịch là: chẳng phải người chẳng nhịn được, chẳng nhịn được chẳng phải là người.
Câu nói của Tử Trương thốt lên, sau khi được Khổng Tử dạy cho điều cốt yếu để sửa mình, trước khi Tử Trương đi xa.

Nhân vừa qua vài ngày, ngày giỗ của người bạn ít hơn tôi vài tuổi, mà chữ "nhẫn" đã ấn tượng trong tôi khi bạn mất.
Biết nhau từ năm 1985, làm cùng cơ quan từ năm 1988, trở thành đồng nghiệp khoảng 1990 -1991(?) (lâu quá nên quên), chúng tôi thân nhau vì khá nhiều điểm tương đồng, hiểu nhau ở những bất đồng quan điểm, duy chữ "nhẫn" lúc đó chúng tôi như còn thiếu! Đầu năm 2006, có người tặng cho bạn tôi chữ "nhẫn" bằng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nghĩa là một bức tranh "thư pháp" chữ "nhẫn".
Bạn tôi như không vui khi nhận nó:
"Người ta nghĩ sao mà lại tặng em chữ này!?", tôi đồng cảm:
"Chắc cũng đúng thôi, chẳng riêng "ông", mà tôi sẽ tự mua lấy một chữ "nhẫn" nữa cho tôi mới phải!, có lẽ tụi mình phải nhẫn thôi!"
Như một lời "cảnh báo", mùa thu năm đó bạn đã ra đi vĩnh viễn - do tai nạn xe cộ, mà chủ quan bạn hơi nóng vội, rẽ trái qua đường về nhà (khoảng cách chưa tới 100 mét) . .  .
Đến nay tôi vẫn chưa mua chữ "nhẫn" (tranh thư pháp) để treo trong nhà, nhưng chữ "nhẫn" tôi vẫn "đồ" mãi trong tâm trí, như hình ảnh bạn vẫn có trong tôi.

No comments:

Post a Comment