Sunday, June 30, 2013

Xe hơi

Năm 2003, Thủ trưởng phát biểu trong cuộc họp đầu năm, trong đó ấn tượng nhất là ông ta nói tương lai sân trường sẽ đầy xe hơi và điều đó là tất yếu! Mọi người nhìn nhau nghi hoặc, riêng nhóm chúng tôi "cả tin" nên đã lên kế hoạch mua xe hơi, vài người rủ nhau học lái xe hơi (trong đó có tôi).
Nửa năm sau hầu như ai cũng có bằng lái xe, tha hồ tự lái và đi bất cứ đâu mình thích!
Dân thành phố (nói riêng) có đặc thù là luôn bị ảnh hưởng bởi "hiệu ứng đám đông":
  • Thấy người ta xây nhà tầng (lầu), là đua nhau xây . . 
  • Thấy người ta mua xe hơi, thì đua nhau mua . . .
  • Thấy người nuôi chim, cá . .thì cũng đua nhau lùng mua cho bằng được . .
  • Thấy người ta thuê thầy phong thủy thì cũng sưu tầm thầy phong thủy . . 
  • . . . . 
Bây giờ thì xe hơi nhiều quá, không còn đường để đi nữa, thậm chí có nhà không có chỗ đậu xe thì vẫn mua cho bằng được sau đó thuê nhà để đậu xe! Có nhà mua xe mà gần 2 tháng chẳng việc gì cần xe, chợt nghe tin bố vợ bị mẻ răng do cắn phải sạn trong cơm, thế là có dịp lôi xe hơi ra chạy đến hỏi thăm (thật là có hiếu).
Bạn tôi làm giám đốc và tự lái xe hơi đi làm, hôm đó nó rủ tôi đi uống cà phê, xe vừa đến quán, bảo vệ chạy ra mở cửa ân cần mời tôi vô quán, sau đó quay qua bạn tôi đang ngồi sau vô-lăng và nói:
" Bác tài lái xe vòng qua cây si, đậu xe miễn phí, yên tâm nha!"
Sau lần đó nó phải mướn tài xế . . đi đâu cũng bị phát hiện, vì tài xế là cháu vợ!
. . . mộng xe hơi đối với tôi nay đã tan thành mây khói sau 10 năm thành phố tiếp tục phát triển với "tầm cao" thành ra hết đường để đi .  . .

Khoảng cách

Trong sự nghiệp đi dạy học từ lúc 20 tuổi đến nay, thì số học sinh, sinh viên nay đã thành đạt và không những thế đã trở thành "xếp" của "xếp" mình thì cũng được vài người.
Còn nhóm bạn học thì vài đứa cũng trở thành những doanh nhân "thành đạt" cũng vài người.
Người thân trong gia đình, họ hàng thì đa phần thành các "đại gia" là nhiều, nhóm "làng nhàng" như tôi chỉ là thiểu số.
Lúc mọi người còn "khó khăn" thì "lễ, tết" thăm hỏi nhau thật chân thành và rất thân mật, nhưng nay:
  • Không thể tùy tiện đến thăm nhau khi chưa có lời mời chính thức (sự thân tình bị suy giảm)
  • Không thể "a lô" dễ dàng như xưa, chỉ để chia sẻ vài niềm vui nho nhỏ.
  • Không thể dễ dàng thông báo là hôm nay . . . . 
Âu cũng là quy luật, tôi có thằng em họ hiện nó còn "tệ" hơn tôi, nhưng rất hảo nhậu, mấy lần nó gặp tôi nó phân trần:
" Hôm nào em ghé nhà anh chơi, rồi mình lai rai nha!"
Tôi giải thích:
" Khách sáo thế, chỉ cần diện thoại, nếu anh rảnh là mình "sử" thôi, thậm chí không cần điện trước, mà ghé nhà thấy anh ở nhà là mình "chiến đấu" thôi!"
Vậy mà tôi nói đến thế mà nó vẫn ngại (tại tính thằng em như thế), suy cho cùng chỉ Đồng bệnh tương lân , đồng khí tương cầu

Saturday, June 29, 2013

Cảm xúc Sài Gòn

Được sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn (tên gọi TP. HCM ngày nay trước 30 tháng 4 năm 1975), với 15 năm đầu ở khu Cư xá Công Chức Chí Hòa, con đường Hòa Hưng cũng là con đường duy nhất dẫn vào cư xá và đã lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu của tôi, những năm 1965 - 1968, mỗi khi đi xem Xi-nê với cả nhà (thường chỉ 8 người, hai anh Hai và Ba luôn được chia phiên trông nhà) đi trên 2 chiếc Ta-xi cả đi lẫn về, đa phần là các xuất chiếu muộn, nên khi về đến đầu đường cư xá ( Ba tôi không cho xe chạy thẳng tới nhà vì không muốn phô trương cách sống của gia đình thời đó ) thì thường là 11 giờ đêm, nhưng thú nhất là được cho ăn thêm bánh ngọt bơ sữa và một ly sữa đậu nành nóng hổi thơm phức của một chú bán trên chiếc xe đẩy 3 bánh.
Đến năm 1968 việc dẫn đi xem xi-nê được bàn giao cho anh Hai, anh đi dạy tiếng Anh tại trường Trần Lục sau này đổi tên là trường Nguyễn Du, nên chỉ dắt tụi tôi vào các buổi sáng Chủ Nhật, nhưng anh có sáng kiến là một tuần đi bằng Ta-xi, thì tuần sau đi bộ, tụi tôi rất háo hức và rất thích thú những lần đi bộ, con đường dẫn từ Cư xá đến rạp REX (nay là Bến Thành) luôn làm chúng tôi không cảm thấy mệt mỏi bao giờ, vừa đi vừa kể chuyện cười nói không dứt, lúc đi thì kể chuyện của mỗi người trong lớp học, bạn bè . . . , lúc về thì bàn tán về phim vừa xem xong, vô cùng phấn kích với các phim phiêu lưu mạo hiểm . . .
Đường xá thời đó còn hơi xấu nhưng chẳng có chỗ nào ngập nước cả, nhà tuy không hiện đại như bây giờ nhưng không quá tải như hiện nay . .
Nửa tháng trước có dịp đi quận 1, đi ngang qua các tòa nhà "Tower" trông rất uy nghi nhưng nhìn mấy ông bảo vệ thì thấy xa lạ như thế nào, chưa kể có tòa nhà bán vé tham quan nữa (điều đó cũng hợp lý thôi), giống như bây giờ người ta đi du lịch để tham quan những công trình hiện đại mới được xây (trong nước cũng như ngoài nước).
Đành rằng phải thay đổi, nhưng không thể đập một căn nhà 200 mét vuông trước đây có 10 người sinh sống trong đó, để xây một nhà phố 8 tầng, hơn 30 phòng để chứa hơn 100 người trong đó, có hơn 50 xe gắn máy và khoảng 5 chiếc xe hơi . . . . và đó cũng là lý do Sài Gòn hôm nay phải ngập lụt (do nặng quá nên lún xuống!!!????)

Thursday, June 27, 2013

Hè về

Trong môi trường học đường (từ nhỏ tới lớn), khái niệm hè về thường không do thời tiết hay là mùa đúng nghĩa của nó, mà do khi nào nhà trường thông báo đã kết thúc học kỳ 2 (một số ít trường là học kỳ 3) thì lúc đó chính thức là hè về.
Người vui kẻ buồn, người náo nức người âu lo vẫn là muôn vẻ của đời thường, riêng tôi năm nào cũng thường có kế hoạch riêng là: dọn dẹp nhà, thải đồ "ve chai" cho rộng rãi nhà cửa, ngẫu nhiên có năm công việc này xem như đã là "bước" chuẩn bị để đón tết cuối năm, do vậy đến tết thì chỉ còn làm vài việc vặt nữa là xong!
Nhưng thực tế thì số lượng đồ "ve chai" hàng năm không những không giảm mà ngược lại nó lại tăng lên "khủng khiếp", đôi khi chóng cả mặt!
Thành ra công việc trong hè đúng nghĩa là "ém hàng" "ve chai" lại (nhồi nhét, cất giấu) sao cho có nhiều không gian để tiếp tục nhận tiếp đợt hàng "ve chai" tiếp theo và cứ thế . . cứ thế . . hè về. . hè về .  .
Chú thích: nhà tôi luôn nhận tất cả đồ "ve chai" của tất cả các gia đình trong họ hàng, và không bỏ sót thứ gì! (tiếc lắm, bỏ sao được)