Saturday, August 31, 2013

Tấm gương


Ngay khi người thầy dạy (nói) "một đàng" nhưng trong thực tế thì ông thầy lại làm "một nẻo", thì ta có thể biết chắc là ông thầy này không có "sư phạm" rồi.
Vì theo từ thì sư nghĩa là thầy và phạm nghĩa là mẫu mực, như thế tổng quát thì sư phạm là người thầy mẫu mực, còn được ví như tấm gương. Trong thực tế các thầy trẻ (thâm niên ít hơn 3 năm), kinh nghiệm chưa nhiều cộng với tuổi đời còn ít (thường nhỏ hơn 25 tuổi), có lợi thế dễ hòa nhập với học sinh, sinh viên, tuy nhiên đôi khi quá năng động lại bị cuốn hút theo "phong trào" nông nỗi của học trò - lúc này người thầy trẻ phải khép mình (giới hạn) lại và trở thành người "chín chắn", đôi khi phải chấp nhận (vì đã dấn thân) được gọi là: ông cụ non, già ngày từ thời còn trẻ . . . . 
Nhưng trên hết, như bao nhiều nghề khác:
  • Có bằng sư phạm, mà chưa chắc đứng lớp có "sư phạm" (như trên đã nói)
  • Có bằng sư phạm cộng với giỏi chuyên môn (toán, lý . . . .vi tính, điện tử . . .) nhưng "thiếu" khả năng "truyền đạt" (dạy không ai hiểu) thì cũng coi như không có "sư phạm"
  • Tấm gương ấy phải được người thầy giáo làm nên, để in dấu ấn của mình vào ký ức và sự quý trọng của học trò, bằng toàn bộ con người mình, chứ không chỉ qua lời giảng. Và ngay cả lời giảng cũng sẽ nhạt nhẽo và giả tạo biết bao nếu không chân thật, không được “bảo hiểm” bằng vốn sống và nhân cách của chính thầy. (trích từ trang thcsthoison)
Tham khảo một tình huống sư phạm sau:
Thầy giáo giảng bài cho các học sinh trong giờ Sinh học:
- Để đoán biết tuổi của các động vật có xương sống, người ta thường quan sát hàm răng của chúng.
Một học sinh đứng dậy hỏi:
-Thưa thầy, em thấy như con gà lại không có răng. Mình làm thế nào để biết ạ?
- Thì chúng ta phải dùng răng của mình chứ sao!
- ...

Thursday, August 29, 2013

Không nhận quà


Tâm lý đa phần khi bị mắng, chửi, chê, trách. . . . đúng hay sai chưa rõ, nhưng thống kê cho thấy phản ứng nhiều nhất là: phân trần, giải thích . . .(áp dụng cho người "phê bình" là người "cấp trên"), kế tiếp là nhóm "phản kháng" mạnh mẽ (khi chưa phân định được "vai vế" - ngang cơ), và ngược lại còn chê, trách người "phê bình".
Trường hợp đầu không phải bận tâm nhiều, vì nếu có bị trách móc oan, thì "ráng" nhịn một chút thì cũng "chẳng chết thằng tây nào"! . . .
Trường hợp sau, thực ra cũng "đâu đó" được "bàn" trong các bài trước, nhưng hôm nay "thử" bắt chước cách hành sử của Đức Phật xem như thế nào, chuyện là:
Một lần khác Phật đi giáo hóa vùng theo một giáo phái khác, các tu sĩ giáo phái này thấy đệ tử của mình theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn thong thả đi, họ đi theo sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức, chận Phật lại hỏi:
- Ông có điếc không?
- Ta không điếc.
- Ông không điếc tại sao không nghe tôi chửi?
- Này quý vị, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng, họ không nhận thì quà ấy về ai?
- Quà ấy về tôi chứ ai.
- Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi. 
Qua đó, lúc này áp dụng câu "im lặng là vàng" là hay nhất. Thử một lần xem sao!

Bạc bẽo tập hai

 
Còn bạc bẽo hơn nữa! không dừng ở đó, vài người "phản hồi" làm tôi phân vân cả ngày, nghĩ mãi thấy "họ" nói cũng phải, còn bạc bẽo nữa . . . và dài dài . . .  :
Một người phát biểu:
"Ai đời, mình mới dạy "nó" (chuyên ngành ...), mình có khen "nó" giỏi chuyên môn, thế mà ra trường "nó" được "giữ lại" (diện gia đình quen biết), và cất nhắc ngay chức vụ "quản lý", oái oăm thay, "nó" lại có chân trong ban giám khảo để đánh giá "trình độ giảng viên" và chính mình trở thành "nạn nhân" cho "nó" chấm điểm!"
"Chưa bằng tôi", một người khác lên tiếng, mọi người cùng hướng về người giảng viên tuổi "băm", vị này nói tiếp:
"Tôi dạy lớp tại chức,"ông" này cỡ trên 50 tuổi, lúc học "ông ta" rất "lịch sự"; "vâng vâng . . dạ dạ.. thầy . . ạ", sau đó "ông ta" ra trường lúc nào mình cũng không biết . . . lần nọ có việc làm giấy tờ nhà đất, lên Quận thì gặp ngay "ông ta", phụ trách ngay "cửa ải" ông ta quản lý, lúc đầu ông ta còn nhớ gọi tôi là thầy, sau đó giấy tờ tôi thiếu tùm lum, phải lên xuống bổ sung đến ba bốn bận, lần cuối cùng ông nói với tôi: giấy tờ "mày" chẳng ra làm sao cả. Có thể giấy tờ nhà đất của tôi không hợp lệ, nhưng đau nhất ông ta gọi tôi là "mày" như lúc này ông ta nghĩ là ông đáng tuổi "cha chú"! Sao lúc tôi dạy ông ta, thì cũng gọi tôi là "mày" cho tiện luôn đi."
Còn vài người nữa muốn phát biểu, tôi đành phải "trấn an":
"Thôi thôi, đó là "rủi ro" nghề nghiệp, chung quy mình không sai trái là được rồi, người nào có lỗi thì người đó phải chịu "trách nhiệm", hơi sức đâu mà "rầu"".
Thấy nguyên do cũng vì mình khơi ra, tôi tình nguyện đãi mọi người một bữa "ăn trưa" giải "sầu".

Tuesday, August 27, 2013

Bạc bẽo

 
Nghề đi dạy học nói chung, từ xưa đến nay đều được xem là "bạc bẽo" (nhất), đa phần thì mọi người cho là "cơ chế", cách tính lương quá "eo hẹp", không tương xứng với "chất "xám" bỏ ra! Nhưng chính xác từ xưa, các thầy đồ đôi khi (gần như đa số) đã chấp nhận một cuộc sống "thanh nhàn" với những bữa cơm "đạm bạc", mà họ không hề kêu ca hay than van về sự "thanh bần" này, vậy "bạc bẽo" ở chỗ nào!!??
Cái "bạc bẽo" "muôn đời" của nghề đi dạy là:
  • Dạy học "đàng hoàng" mà số học sinh "thành người" thì quá ít hoặc không như mong đợi.
  • Số "thành người" thì lại chia thành nhiều nhóm, nhưng "đặc trưng" thì có hai dạng chính:
  1. Nhóm này trở thành những nhân vật nổi tiếng, nhưng với nhiều lý do "tế nhị" khác nhau, mà họ không muốn hoặc rất ngại ngùng phải nhắc lại các thầy cũ . . . .
  2. Còn nhóm này cũng "kiếm sống" được, nhưng thường không bằng nhóm kia, nên "mắc cỡ" mà xa lánh thầy . . . 
Làm "thầy" thì đã thấm nhuần câu: "cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán" (chưa bị hại là may lắm rồi!), do đó đã theo nghề thì phải chấp nhận "sự bạc bẽo" này, giống như "lý sự" sau:
"Nghề dạy học như người chèo đò đưa người qua sông, nếu như "lỡ" có chở người trúng vé số qua sông để lãnh giải, thì cũng đừng mong họ chia cho "phần trăm" của giải thưởng" Ôi nghề chèo đò sao "bạc bẽo" thế!

Những trọng tài cảm tính

 
Lại nói ngày nay khi hai người đang "tranh luận" (có khi còn gọi là cãi nhau), những người đứng xem (là khán giả) nhưng lại "tức mình" trở thành những nhà "phê bình", tự cho mình là "trọng tài"* có quyền phán xét cho là người này đúng, còn người kia là sai và sau đó "cuộc chiến" không còn là giữa cá nhân của hai người, mà là của 2 nhóm đối kháng, hoặc thêm một nhóm thứ 3 "ba phải" nữa . . . 
Xem hai người đang đánh cờ, những người ngồi xung quanh (là khán giả) có lúc lên "cao trào", cũng tự trở thành hai nhóm "đối nghịch", nhưng để ý kỹ nếu hai người đánh cờ thuộc dạng "có hạng" thì họ chủ động đi theo "nước cờ" của họ, thấy họ đi giống một nước cờ mà nhóm bên ngoài chỉ, thì đôi khi chẳng qua họ còn đang suy nghĩ. Thậm chí có người bên ngoài chỉ mãi mấy nước cờ cho người này, nhưng người này không theo, thế là "bực quá" bèn chỉ cho người kia!
Không một "trọng tài"* nào có thể đưa ra phán quyết "đúng" hay "sai", chỉ có hai người trong cuộc tự dàn xếp và tự kết thúc.
*Trọng tài này thuộc dạng cảm tính về một phía, xét về nguyên tắc thì sẽ không còn được gọi là "trọng tài".
Xu hướng ngày nay là vậy, đó cũng là cảnh báo:
  • Chỉ "tranh luận" khi tìm ra đúng "trọng tài".
  • Lỡ "tranh luận" khi chưa có "trọng tài", thì chỉ có cách "đóng cửa bảo nhau".
  • Cẩn thận cái "môi trường" mà hai người đang "tranh luận", đó chính là cái "mồi lửa". Người tạo ra "môi trường" đó là "ngư ông đắc lợi".
  •  . . . . .
Tham khảo tình huống sau:
Cô gái xinh đẹp bước vào cửa hàng rau củ cạnh sân khấu ca nhạc ngoài trời và hỏi mua tất cả cà chua, trứng thối tại đây. Chủ cửa hàng mừng rỡ:
 - Có ngay, nhưng cô mua nhiều như thế để làm gì?
 - Để chuẩn bị cho buổi biểu diễn ca nhạc tối nay.
 - Làm như thế liệu có hơi ác với ca sĩ ấy không?
 - Không sao, tôi chính là ca sĩ ấy. Cẩn thận vẫn hơn bác ạ!

Monday, August 26, 2013

Mùi nhang và hoài niệm


Có một mùi hương tỏa ra từ những cây nhang do ba tôi thắp rất đặc trưng, do mẹ tôi mua vào những lúc nhà có giỗ và những ngày tết thời đó . . ., nay trong số anh em, chỉ duy có em gái tôi là vẫn biết và mua loại nhang có mùi hương này, mà lạ sao đã bao nhiêu năm mà tôi vẫn không hỏi em tôi đó là loại nhang tên gì, hoặc nhờ mua giùm . . . .Chỉ mùi hương này tỏa ra là từ tiềm thức trong tôi gợi lên những hoài niệm mà tự trong tôi đã "xếp đặt", hình ảnh gia đình lúc ba mẹ tôi còn sống, quây quần cùng anh chị em trong nhà (tổng cộng là 10 người), tuổi thơ và sự ấm cúng trong không khí giỗ, tết và quyện vào đó mùi hương tỏa ra từ những cây nhang do ba tôi thắp (lúc đầu chỉ mình ba tôi thắp nhang thôi, sau này tụi tôi lớn lên thì ba chỉ định (sai -bảo) ai thì người đó mới được thắp nhang).
Có người nói hoài niệm là sự lý tưởng hóa những gì thuộc về quá khứ với nỗi khao khát, điều này với tôi lại càng đúng nữa: ngày nay dùng kỹ thuật số, quay phim và chụp hình thì quá dễ, nhưng khi xem lại thì thấy "vô hồn" (chưa kể khi nhờ ai đó chụp lại khoảnh khắc mình đang vui, mà ông "phó nhòm" cứ chính tới chỉnh lui, rồi đếm 1 . . 2 .  .  . .  . . 3, thì lúc đó cái mặt chẳng thể giữ nổi nụ cười tự nhiên được), lại nói "góc quay" thì theo chủ quan cảm nhận của người quay, chứ không phải người được quay!
May mà tôi có hoài niệm (tương đương màn hình HD) do mùi hương -loại nhang do em tôi mua (tương đương máy chiếu) vẫn hoạt động tốt cho đến nay.
Xin tham khảo mẩu chuyện dưới đây:
Một ông lão ở quê lần đầu tiên lên tỉnh, ghé vào một tiệm chụp hình, chụp vài kiểu lấy ngay, trong đó có một kiểu chụp nghiêng.
Vừa nhìn tấm hình nghiêng, ông lão hốt hoảng hỏi:
- Tại sao trong tấm hình tôi chỉ có một mắt một tai thế này?
- Đây là tấm bác chụp nghiêng nên chỉ thấy một mắt một tai thôi - Chủ tiệm trả lời.
- Thế thì còn một một mắt một tai nữa của tôi đâu?
- Lẽ dĩ nhiên chúng phải ở phía bên kia.
Ông lão vội lật ngược tấm hình lại, chăm chú nhìn rồi nói với giọng tức tối:
- Anh nói láo! Bên kia có thấy quái gì đâu hả?
Thấy ông lão có vẻ... ẩm ương, chủ tiệm đành biếu ông tất cả số ảnh chụp mà không lấy tiền.
Bước ra khỏi tiệm ông lão cười khà khà nói một mình:
- Tưởng ta ở quê ra không biết gì hả. Bây giờ ta sẽ đi tiếp xem phố này còn tiệm chụp hình nào nữa không!


Có cảm giác và có cá tính

 
Có lần ngồi trên xe hơi chung với vài người cùng đơn vị mà người lái xe cũng là đồng nghiệp (dân điên nặng), "tay" này chạy thế nào mà mấy người trên xe "khen":
"Ôi bác tài chạy xe "có cảm giác" quá!" và mọi người tỏ vẻ phấn kích! . . . .
. . . ngồi lai rai với nhau sau chuyến đi, hỏi thăm nhau về các "đệ tử" ở nhà, mọi người lại khoe:
"Ôi con tôi nó có "cá tính" lắm! và mọi người rất tự hào! . . . .
Vậy đó từ ngữ ngày nay đã được "nâng cấp" rất nhiều:
Khi nói "có cảm giác" trên xe thì có nghĩa là: tài xế mà vô số nào (số sàn) là mọi người sẽ biết ngay, vì nó sẽ làm mọi người "bật ngửa" khi bác tài lên số cao và nhấn ga, còn khi mọi người "chúi nhủi" khi bác tài trả về số thấp và đồng thời đạp thắng, nếu mọi người nghiêng về phía phải thì là bác tài đang quẹo về bên trái, ngược lại mọi người có thể suy ra được.
Khi nói đứa bé "có cá tính" thì có nghĩa là: "nó" lại nghịch ngợm một "trò" mới "không đụng hàng", cho dù các thành viên trong nhà có phải chịu mọi "hậu quả khủng khiếp" . . . .
Xem ra các quan niệm xưa cũ có khuynh hướng nghịch đảo với sự phát triển và hội nhập của ngày nay.
Xin đọc mẩu chuyện sau:
Một chú bé đang cố gắng kiễng chân với núm chuông trên một cánh cửa lớn. Người cảnh sát đi ngang qua bèn bế nó lên cho tới nút bấm. Sau mấy hồi chuông dài, viên đội âu yếm hỏi:
- Nào, chúng ta còn phải làm gì nữa không, bé con?
Chú quỷ nhỏ khoái chí cười nắc nẻ, giục "đồng bọn”:
- Bây giờ bọn mình phải chạy thôi!

Sunday, August 25, 2013

Một bài nhạc buồn

Lắng đọng thưởng thức bản nhạc của Võ Thiện Thanh: Giấc Mơ Mùa Thu với Lệ Quyên trình bày qua clip do qnvn80 thực hiện:

Saturday, August 24, 2013

Du học

 
Lại một năm học mới sắp bắt đầu, nhân đây xin trích trong bài viết của "nguồn Tuổi trẻ" với tựa bài là:
Đi du học-tôi học được gì? trong trang web của AUPAIR VIETNAM, hy vọng ít nhiều tham khảo thêm những cái hay của "họ", điều quan trọng nhất là phải thực hành thôi . . . . 
1. Thứ nhất: điều quan trọng nhất là tôi học được sự tự giác và lòng tự trọng của người trí thức. Khi làm bài kiểm tra, tôi không thấy giáo sư Mỹ phải đi “tuần tra” khắp lớp như ở Việt Nam (VN) để canh chừng nạn quay cóp. Các vị cứ ung dung ngồi đọc báo, hoặc làm việc riêng, vậy mà chẳng thấy sinh viên (SV) nào mở tài liệu ra xem, cũng chẳng thấy SV hỏi bài nhau.
SV nào không đến lớp làm kiểm tra được hôm đó, cứ xin phép, giáo sư sẽ cho đề riêng để làm vào một hôm khác. Nhiều SV khi làm đề thi riêng, đem ghế ra ngoài hành lang làm một mình, để khỏi bị bài giảng của giáo sư làm phân tâm. Tôi cố tình để ý những sinh viên này và cũng không thấy họ mở tài liệu ra. . . . . .
2. Thứ hai: tôi học được khả năng tự quản lý, sắp xếp việc học của mình. Ngay từ đầu học kỳ, giáo sư sẽ phát cho SV một cái syllabus (tạm dịch là chương trình học). Trong syllabus, giáo sư ghi rõ môn đó là môn gì, dạy cái gì, ngày nào học cái gì, SV phải đọc sách nào, trang mấy, khi nào kiểm tra, nội dung ra sao…
Căn cứ trên syllabus, sinh viên cứ theo đó mà sắp xếp lịch học, vì vậy SV rất chủ động, thoải mái trong việc học của mình. . . .
3. Thứ ba: tôi học được cách lý luận độc lập. Khoa học là vô biên, là sự phát triển không ngừng, nên không có học thuyết tuyệt đối. Do đó, SV được quyền chất vấn giáo sư, đặt vấn đề ngược lại, nếu cảm thấy nghi ngờ điều giáo sư vừa nói và thậm chí đặt vấn đề với cả những học thuyết.
Giáo sư không bao giờ chửi SV là đồ ngu, mà khuyến khích hỏi tới nơi tới chốn. Một giáo sư ngôn ngữ học của ĐH Santa Cruz nói: một nghiên cứu của ngành giáo dục Mỹ cho biết câu hỏi “tại sao” và “như thế nào” chiếm gần 80% trong các câu hỏi được nêu lên trong giảng đường ĐH Mỹ. . . .
4. Thứ tư: tôi học được cách nghiên cứu độc lập. Người viết bài này từng chứng kiến Rosa, một học sinh lớp 5 phải tự vào thư viện tìm tòi về địa lý thành phố Santa Cruz, nơi em đang ở, sau đó viết “report” (tường thuật chứ không chép lại những gì em tìm được trong thư viện).
Đương nhiên cách làm này sẽ khiến em nhớ nhiều hơn là học và trả bài như con vẹt. Sau đó không lâu tôi có gặp lại Rosa, nhân lúc nói chuyện về thời tiết, em đã giải thích cho tôi tại sao khí hậu Santa Cruz được xem là “dễ chịu” nhất nước Mỹ. . . .
5. Thứ năm: tôi học được cách tôn trọng người khác và làm người khác tôn trọng. Các giáo sư, văn phòng khoa, nhân viên của trường đối xử với SV như một người lớn thật sự. Họ biết tôn trọng, lắng nghe SV. Đi đến đâu cũng thấy những “nụ cười nở trên môi”, những lời “xin lỗi”, “cám ơn”, “xin vui lòng” từ những người đó. Khi SV đến làm việc với khoa, thư viện… SV không có cảm giác mình là một kẻ đi xin xỏ, nhờ vả. . . .
Tôi còn nhớ cách đây vài tháng, một người bạn mời tôi đến nhà ăn tiệc mừng "thằng con trai" ("tục tưng"-cục cưng )mới tốt nghiệp Đại học ngành Điện tử ở Pháp mới về (rửa bằng). Trong suốt bữa tiệc mọi người thi nhau chúc mừng và các câu hỏi với "cậu ta" xoay quanh các vấn đề về đời sống, sinh hoạt cá nhân, thời tiết (du) . . . .chưa ai hỏi "cậu ta" học được cái gì? (học) và lạ nhất sau bao nhiêu năm học ở nước ngoài, mà cậu ta vẫn "ăn nói" và phong cách vẫn y như trước khi đi du học . . . .(giang sơn dễ đổi bản tính khó dời)

Friday, August 23, 2013

Vô lý

 
Vô có nghĩa là không có.
Lý có nghĩa là lẽ phải.
Vô lý có nghĩa là không có lẽ phải , không đúng. . .
Câu hỏi của hôm nay là tại sao học sinh, sinh viên tại Việt Nam (sau này trở nên cao, cao hơn nữa . . .), có được "ăn học" đàng hoàng mà "nhân tài giúp nước thì ít như lá mùa thu - còn ở trên cành"* vậy. Chương trình các cấp học, môn học cũng được biên soạn "tương đối" công phu, so ra không khác các nước tiên tiến trên thế giới là bao, vậy do đâu mà "nông nỗi này" (vô lý quá), do cách học và cách dạy đa phần được liệt vô dạng "học vẹt" và thiếu đúng phần thực hành:
  • Trẻ em ngày nay "vỗ lễ" hơi nhiều, khác với câu: "tiên học lễ, hậu học văn", thực ra là có học (lễ), trả bài làu làu . . .nhưng không thực hiện!
  • Tốt nghiệp phổ thông mà bảo quên cách tính "quy tắc tam suất".
  • Đề tài và luận văn thì nhiều vô kể (trong đó kể cả dạng "mô phỏng" chạy trên các "phần mềm"), nhưng làm ra mô hình thực (thu nhỏ) thì không hoạt động (đúng ý), thậm chí "không nhúc nhích" . . .
  •  . . . .
Tham khảo mẩu chuyện sau:
Một khách hàng nhờ "chuyên gia" nhiệt lạnh thiết kế hệ thống lạnh cho một phòng họp mi ni:
Chuyên gia hỏi:
"Phòng họp cho bao nhiêu người?"
Khách hàng trả lời:
"Tối đa 10 người"
Chuyên gia nhẩm tính:
"Gay go rồi đây!"
Khách hàng lo lắng:
"Sao vậy?"
Chuyên gia trả lời:
"Máy lạnh này phải to lắm, mỗi người thân nhiệt là 37 độ, mười người là 370 độ, hơn cả nước sôi nữa . . ."
*Bằng cấp thì như lá mùa thu ở dưới đất.

Thursday, August 22, 2013

Lý sự

 
Lý có nghĩa là lẽ phải.
Sự có nghĩa là việc.
Lý sự là lẽ phải của một việc gì.
Vậy người "hay lý sự" là người ra sao!? Hơi "đụng chạm" một chút với nghề "luật sư", nhưng rõ ràng nguyên tắc của ngành này cần phải như thế, dù sao đó cũng là "nét đặc thù" trong chuyên môn. Tuy nhiên nghề nào cũng vậy; có người giỏi thì cũng có người dở, mà người giỏi thường là "đặc trưng" và "đại diện" của " lý sự giỏi", khi họ phát biểu thì độ "chính xác" trên 90%.
Với "công thức" này, không riêng ngành luật, mà tất cả các ngành nghề khác cũng phát triển ra những người "hay lý sự", mà khổ nỗi số người gọi là giỏi nghề thì luôn là số ít, do đó lý sự sẽ xảy ra:
  • Người giỏi (hơn) lý sự với người dở (hơn) thì ta có người lý sự giỏi. (thường người giỏi chỉ lý sự khi "hữu sự")
  • Người dở lý sự với người giỏi thì ta có người lý sự "cùn", mà người ta gọi là người hay lý sự (vì người dở lại "thích" lý sự -tâm lý người này sẽ được bàn riêng trong dịp khác)
  • Hai người ngang "cơ" (dở như nhau, hoặc giỏi như nhau) lý sự thì "huề cả làng" (cái này hơi giống như tranh luận - vì không có kết luận nên còn gọi "nhẹ hơn" là đối thoại!)
Kinh nghiệm bản thân: chỉ lý sự với người "yếu" hơn ta về mọi mặt, không lý sự "cùn", nếu "rảnh" thì đối thoại với "ai" đó.
Chú thích: lý sự cùn là lý lẽ vụn vặt, không có sức thuyết phục (theo Wiktionary tiếng Việt), tham khảo mẩu đối thoại sau:
- Này, sao bánh tôm nhà hàng làm không có con tôm nào trong bánh hết vậy?
- Thế ông đã ăn cơm sinh viên chưa ạ?

- (Ngạc nhiên) Hồi còn sinh viên, tôi ăn thường xuyên...

- Thế khi ăn cơm, ông có thấy "con sinh viên" nào không ạ?

Ký ức

 
"Đã không giúp được (ai đó) thì thôi, chẳng lý gì mà lại đi hại người ta"
Đó là câu tôi nói với người đồng nghiệp lớn tuổi hơn tôi, trong một tàn tiệc tại nhà tôi, khoảng 12 giờ khuya đêm đó cách nay 25 năm. Nguyên là trước đó nhóm chúng tôi (tổng là 5 người) hay nhận thầu thi công phần điện cho các công trình xây dựng, do mâu thuẫn giữa anh đồng nghiệp lớn tuổi trên với một người trẻ tuổi trong nhóm (sinh viên mới ra trường), tôi "tạm" làm người hòa giải giữa 2 người bằng một tiệc nhậu tại nhà tôi, tuy nhiên ngay ban đầu mâu thuẫn giữa họ hầu như không giải tỏa, mà sự nóng giận của anh lớn tuổi lên cao độ, trở thành biểu cảm của sự "thù hận" . . . . người đồng nghiệp trẻ tuổi bỏ về sớm (khoảng 8 giờ tối) và mãi đến khuya nhờ tôi nói câu đó, thì sự tức giận của "anh ta" dịu đi hẳn . . . một phần anh ta mặc dù lớn tuổi hơn tôi nhưng hơi nể tôi, vì sự ra đời sớm của tôi hơn anh ta!?. . .
Kết thúc chỉ còn tôi và anh ta, trước khi anh ta ra về (khoảng 1 giờ 30 sáng) tôi ráng động viên anh ta:
"Mong thời gian sẽ là liều thuốc xóa đi mọi chuyện, anh và nó sẽ quên hết buồn phiền!"
Thật vậy đến hôm nay thì mọi người (trong đó có cả tôi) đã quên hết mọi chuyện và quên cả mối quan hệ xưa nay với nhau, và xem nhau như "chua hề quen nhau".
Tôi tự hỏi, từ trước tới nay có bao nhiêu người mà tôi "biết" mà nay như là không quen nhau vậy!?
Có lẽ để an ủi thì có câu: "Xa mặt thì cách lòng" thì cũng hợp, nhưng gọi là "kỷ niệm" thì có quên "nổi" không!? Con người đâu dễ mà "mất trí" như vậy!!!!