Saturday, November 30, 2013

Thiên địa nhân


Trong cuốn "Liệt Tử và Dương Tử" có kể một câu chuyện với hai người chọn hai công việc thì thành công, nhưng với hai người khác cũng "bắt chước" như vậy mà mạng lại hậu quả "đau lòng", điều này cũng là sự nhắc nhở mọi người nên cân nhắc trước khi có nên làm giống người ta không! phải biết thế thời, vị trí (của mình) và con người (đối tác) (thiên thời - địa lợi - nhân hòa), xin đọc lại chuyện xưa dưới đây:
Họ Thi ở nước Lỗ có hai người con trai, một người hiếu học, một người thích việc binh. Người con hiếu học đem sở học của mình dâng Tề hầu, được Tề hầu dùng làm sư phó cho các công tử, người con thích việc binh đem binh pháp của mình dâng vua Sở, vua Sở mừng, cho coi việc quân. Gia đình nhờ lộc của họ mà giàu, cha mẹ nhờ tước của họ mà sang.   Một người láng giềng họ Mạnh cũng có hai người con, cũng lựa hai nghề đó, mà nghèo túng, muốn được giàu sang như họ Thi, qua hỏi nhờ cách nào mà tiến phát mau vậy. Hai người con họ Thi cứ thực mà kể. 
Một người con họ Mạnh bèn đem sở học của mình dâng vua Tần. Vua Tần bảo:   - Thời nay, các chư hầu đều dùng võ lực mà tranh nhau, chỉ cần binh khí và lương thực thôi, nếu chúng ta dùng nhân nghĩa mà trị nước, thì là theo con đường diệt vong mất.   Rồi sai đem thiến, ít lâu sau thả ra.   Còn người kia qua nước Vệ, dâng binh pháp lên vua Vệ. Vua Vệ bảo:   - Nước mình nhỏ mà chung quanh là nước lớn. Nước nào lớn thì mình thờ, nước nào nhỏ thì mình vỗ về, đó là cách cầu an; trông vào binh lực thì mau diệt vong lắm. Nếu để cho hắn được toàn mệnh mà về, hắn qua nước khác, sẽ nguy lớn cho chúng ta. 
Bèn chặt chân, trả về nước Lỗ.   Về tới nhà, cha con họ Mạnh đấm ngực mà oán trách họ Thi. Họ Thi bảo:   - Gặp thời thì thịnh, không gặp thời thì lụn bại. Con đường của các bác cũng là con đường của chúng tôi mà kết quả khác nhau, là tại không gặp thời chứ không phải là hành động sai. Vả lại, ở đời không có nguyên tắc nào luôn luôn đúng, không có việc nào luôn luôn sai. Cái mà thời trước người ta dùng thì có thể ngày nay bỏ đi; cái ngày nay bỏ đi, thì có thể sau này sẽ dùng. Dùng hay bỏ, điều đó không quyết định được là phải hay trái. Rình cơ hội, nắm lấy cơ hội, cái đó không có qui tắc nào cả, mà thuộc về lanh trí. Nếu không lanh trí thì có biết rộng như Khổng Khâu, có tài như Lữ Thượng, đi tới đâu cũng khốn thôi.   Cha con họ Mạnh yên lòng, không có vẻ giận nữa, bảo:   - Chúng tôi hiểu rồi, bác đừng nhắc lại nữa.

Thursday, November 28, 2013

Tâm lý đám đông



Nhân nói về "hiệu ứng (tâm lý) đám đông" thì có câu chuyện: Người đàn bà ngoại tình (Pericope Adulteræ) theo truyền thống là tên được đặt cho đoạn Phúc âm Gioan 7:53-8:11 [1]. Đoạn văn ghi lại ý định ném đá một phụ nữ bị cáo buộc về tội ngoại tình của những người thuộc phái Pharisêu, và Chúa Giêsu nêu lên quan điểm về vụ việc này qua câu nói: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." (trích từ trang web Wikipedia) trong đó theo bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các giờ kinh Phụng vụ: Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?" Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?" Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giê-su nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !" cũng theo Wikipedia: Chuyện người đàn bà 2000 năm trước Sách cổ đã ghi: đống đá còn nguyên...."
Nhạc sĩ Song Ngọc đã khéo léo dùng những chữ tương phản như "Thế giới hiền lương / ánh mắt cuồng căm" và đặt câu hỏi, có phải vì người đời giả dối, sợ phải đối mặt với tòa án lương tri với tội của chính mình nên đã lẵng lặng bỏ đi: "Vì người vô tội hay đời giả dối ? Thế giới giả nhân ? Chào thua ! Người ơi, Tình ơi ! Ai tội đồ ? Ai tỉnh ngộ ?...". Nhưng dù sao thì "cũng vậy thôi", và câu chuyện vẫn có kết thúc tốt đẹp và câu hỏi dành riêng cho lương tâm mỗi người.
Theo ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên: "Một hành động tự nó là xấu, nhưng có nhiều người làm, thì tự nhiên nó bớt xấu đi, thậm chí hành động đó được coi là bình thường. Và, một khi được coi là bình thường, thì không cần phải áy náy hay bận tâm về “tính luân lý” của hành động đó nữa. Cách đây vài chục năm, việc một cặp vợ chồng bỏ nhau là điều hổ nhục cho hai dòng họ, vì thế mà cha mẹ đôi bên tìm đủ mọi cách để hàn gắn những rạn nứt, vừa để bảo vệ hạnh phúc gia đình, vừa giữ thể diện với những người xung quanh. Ngày nay, tình trạng ly hôn ngày càng nhiều, nên nhiều bậc cha mẹ và các bạn trẻ dựa vào “tâm lý đám đông” để lập luận: “Ôi dào, xung quanh ta có đầy người làm thế”. Và như thế, một việc tự nó là không bình thường đã trở nên bình thường vì có nhiều người làm như vậy. Có thể kể đến lối suy nghĩ tương tự về nạn phá thai, nghiện ngập, trộm cắp hay nhiều loại hình tệ nạn khác. . . . "
Theo Le Bon, những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thuỷ, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng; họ không kiên
định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Vả lại, do thể tạng của mình, những đám đông ấy cần có một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa. “Những người cầm đầu hiện nay càng có khuynh hướng thay thế quyền lực công thì quyền lực công càng bị chất vấn và suy yếu đi. Sự bạo ngược của những ông chủ mới này làm đám đông ngoan ngoãn vâng lời họ hơn cả khi họ đã từng vâng lời chính quyền’’ (Tâm lí học đám đông, tr.177) . . .

Tuesday, November 26, 2013

Thầy nhàn nhã


Một người đã sống với nghề mình chọn trên 20 năm, mà bây giờ "phát hiện" ra đồng nghiệp xung quanh mình đều là người "xấu", thì đích thực chỉ chính người "đó" là người xấu! (tựa bài viết:'Giáo dục méo mó vì xã hội VN quá đề cao người thầy' đăng trên trang Web vnexpress, ngày 26 tháng 11, không thấy ghi tên tác giả), thống kê tới nay có trên 80% độc giả đồng tình bài viết, đó mới là "phép thử" đáng buồn! Ngày nay "hiệu ứng" đám đông đã trở thành thói quen trong cộng đồng xã hội, mà hệ quả phát sinh ra "đám đông phạm luật" như:
  • Cùng nhau vượt đèn đỏ.
  • Đánh hội đồng kẻ trộm không để pháp luật trừng trị.
  • Thấy ai cũng cho con học thêm, nên cũng bắt con em mình phải học thêm . . .
  •  . . . . . .
"Tầm sư học đạo" là câu nói người xưa đã được kiểm chứng qua thời gian, xưa nữa có mẹ của Mạnh Tử phải dọn nhà đến 3 lần, lần cuối là nhà ở gần trường, nhưng theo thời nay, do "hiệu ứng đám đông", ai ai cũng muốn dọn nhà đến gần trường, rồi tiện việc mở luôn hàng quán, buôn bán như cái chợ xung quanh trường, thế là học sinh mới học "điều hay" trong trường, hết giờ vừa ra khỏi cổng trường là một "hoạt cảnh" bát nháo, buôn bán điên đảo . . .chửi bới "loạn xạ", nên khi con trẻ về nhà chất chứa trong người hai "luồng văn hóa" mâu thuẫn nhau!
Trong bài viết, tác giả còn cho nghề dạy học là nghề nhàn nhã trong các loại nghề, thế thì thấy ngay là "vị" này làm nghề mà không có tâm rồi!
Bất kể nghề nào, người nào sống nhàn nhã với nghề đó thì chắc chắn một điều là người đó không có tâm với nghề nghiệp, người nào mà sống nhàn nhã với nghề thì bản chất là do tính "lười", với tính này thì may ra chỉ có ông Bill Gate tuyển chọn mà thôi. Tuy nhiên phải qua một kỳ thi tuyển nữa.
Xin xem câu truyện của thầy "lười" dưới đây:
Thầy đồ hỏi:
- Tụi bây biết hôm nay học cái gì không?
Cả lớp trả lời:
- Thưa thầy không!
Thầy đồ tỏ vẻ giận dữ:
- Không biết? Vậy tụi mày tới trường để làm cái gì? Cút về hết đi!
Đám học trò khúm núm kéo về hết và bàn với nhau là lần sau thầy có hỏi thì sẽ có cách trả lời xem thầy tính sao.
Hôm sau, thầy giáo lại hỏi:
- Hôm nay tụi bây biết sẽ học cái gì không?

Cả lớp đồng thanh trả lời:
- Dạ biết!
- Đã biết hết rồi thì tụi bây còn ở đây làm cái gì vậy? Về hết đi!
Tụi học trò tức lắm, cho nên bàn rằng kì sau thầy có hỏi thì nửa lớp sẽ trả lời “có” và nửa lớp sẽ trả lời “không” coi thầy tính sao.
Ngày kế tiếp thầy hỏi:
- Bây biết hôm nay học cái gì không?
Nửa lớp trả lời:
- Thưa biết!
Nửa lớp trả lời:
- Thưa không!
- Vậy thì đứa nào biết ở lại dạy mấy đứa không biết, còn tao về!

Viết thêm: quý vị lưu ý đừng cho con em học thêm tại những trường lớp có các ông thầy trên.