Wednesday, July 31, 2013

Kỹ xảo

 
Khi kỹ năng đạt đến mức độ rất thành thạo, khéo léo, mà nay người ta hay gọi là "pro" (professional = chuyên nghiệp), vẫn từ câu tục ngữ: "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" thì đã nói lên mức độ "cao" rồi, chủ yếu cũng muốn thể hiện "kỹ xảo" trong chuyên môn nào đó.
Tuy nhiên, xu thế ngày nay, người ta có khuynh hướng "kết hợp" (2 trong 1, 3 trong 1, 4 trong 1 . . . .) vì lý do: phải lấy cái này bù trừ cái kia . . . , chẳng qua để "che" đi tính không chuyên nghiệp hay kỹ xảo của một chuyên môn nào đó, làm "hỏa mù"! mà cũng lạ, ngày nay người ta lại thích thế: 
  • Ca sĩ có thể làm diễn viên điện ảnh, hoặc làm người mẫu . . .
  • Giáo viên có thể trở thành ca sĩ, hoặc nhân viên tiếp thị . . . 
  •  . . . . .
Cái nào rồi thì cũng có cái giá của nó, khổ nỗi khi cần "tính chuyên nghiệp", thì lại gặp "thứ nửa nạc, nửa mỡ", không sao đáp ứng được nhu cầu:
  • Ăn tô phở buổi sáng, mà nước lèo vị hủ tíu.
  • Học tiếng Anh, mà nói chuyện với người Mỹ không ổn.
  •  . . . . . 
Tham khảo truyện: Hướng dẫn viên chuyên nghiệp
Hướng dẫn viên du lịch bảo với khách: "Đây là bức tranh Bạch Tuyết và bảy chú lùn".
Bức tranh diễn tả cảnh Bạch Tuyết đang nhìn chú lùn thứ nhất, nhìn chú lùn thứ hai, nhìn chú lùn thứ ba, nhìn chú lùn thứ tư, nhìn chú lùn thứ năm, nhìn chú lùn thứ sáu, nhìn chú lùn thứ bảy. Còn chú lùn thứ nhất cũng đang nhìn Bạch Tuyết, chú lùn thứ hai cũng nhìn Bạch Tuyết, chú lùn thứ ba cũng nhìn Bạch Tuyết, chú lùn thứ tư cũng nhìn Bạch Tuyết, chú lùn thứ năm cũng nhìn Bạch Tuyết, chú lùn thứ sáu cũng nhìn Bạch Tuyết, chú lùn thứ bảy cũng đang nhìn Bạch Tuyết.

Và bây giờ mời quý vị xem tiếp bức tranh "Alibaba và bốn mươi tên cướp".

Tuesday, July 30, 2013

Văn hóa

 
"Chửi cha không bằng pha tiếng", đó là một "đặc trưng" trong những hành vi được liệt vô là thiếu "văn hóa", rộng hơn ta thấy tuổi nhỏ (còn học tiểu học), khi thấy người bị tật (bị teo cơ, nói ngọng, nói cà lăm . . .) thì thường hay bắt chước, làm trò "nhại lại", rồi làm trò cho người khác cười, lấy đó làm thích thú . . .phải khi Thầy cô biết được thì sẽ được khuyên bảo tận tình . . và hiểu thế nào là có "văn hóa" . . ., nhưng nếu phụ huynh thấy được, thì lại giải thích: 
"Không nên bắt chước như thế, vì có thể sau này sẽ bị y như vậy"
Trẻ con lại hỏi:
"Tại sao?"
Có người giải thích:
"Cười người hôm trước, hôm sau người cười"
Trẻ không hiểu, nên đành giải thích:
"Ông Trời thấy làm giống nên bắt phải bị như vậy luôn!"
 . .  . . 
Vậy dạy "văn hóa" cho trẻ là do nhà trường hay gia đình?
Câu trả lời chính xác là "tất cả" (trong đó gồm gia đình, nhà trường và xã hội), thực sự có văn hóa là có được sự hội nhập "vô tư và tự nhiên", tuy nhiên lại thường có 2 trường hợp:
  • Nếu đối tượng cũng là người "có văn hóa" thì không cần phải bàn, lúc này chỉ cần thể hiện "vô tư và tự nhiên".
  • Nếu đối tượng "thiếu văn hóa" (thường trên 50%) thì lúc này đích thực ta phải vận dụng kiến thức của "học vấn" thì may ra ta sẽ "bù" phần thiếu văn hóa cho người kia!
  • Thực ra phải "nói thêm", gặp trường hợp trên, cũng đa phần ta còn thiếu sót "một ít" kiến thức nào đó, thế là: "ta với địch" tuy hai mà một!
Xin chép ra đây một chuyện cười: 
Sự khác biệt của văn hoá
Chiếc du thuyền đang trên hành trình ở Địa Trung Hải, đột nhiên đâm phải đá ngầm. Một vết thủng lớn làm tàu không thể đi tiếp được nữa và có nguy cơ bị chìm. Thuyền trưởng ra lệnh mọi hành khách phải mặc áo phao hoặc đeo phao cứu sinh nhảy xuống biển. Nhưng dù nói thế nào, ngọt nhạt có, hăm dọa có, ông vẫn không thuyết phục được họ. Ông đành để tay thuyền phó lo việc giải quyết đám khách cứng cổ.
10 phút sau quay lại, ông thấy họ đã nhảy hết xuống biển. Rất ngạc nhiên, ông hỏi viên thuyền phó thì anh ta trả lời: “Tôi thuyết phục từng người theo cách riêng hợp với họ. Với người Đức, tôi nói: “Đây là lệnh, anh phải nhảy!”. Với người Nga, tôi cổ vũ: “Đó là một hành động cách mạng!”. Với người Mỹ, tôi bảo: “Này anh, anh đóng bảo hiểm rồi mà!”. Với người Pháp, tôi nhận xét: “Theo kinh nghiệm của tôi thì ôm phao nhảy xuống nước là một việc rất lãng mạn”. Với người Anh, tôi nói: “Đây là một môn thể thao thời thượng” Với người Italy, tôi nói: “Nói thật với anh, cái này đúng ra là bị cấm, nhưng...”.
Còn lại anh chàng Nhật Bản, tôi vỗ vai:

 “Mọi người nhảy hết cả rồi đấy, ta nhảy đi thôi!”.

Sunday, July 28, 2013

Học người xưa


Trích đăng một số câu tục ngữ Việt Nam, (chọn lọc ngẫu nhiên . . .) kể từ khi lên chức "ông ngoại", lâu quá không nhớ rõ "quá trình" và kinh nghiệm về trẻ nhỏ, tạm "chiêm nghiệm" theo cách này!
  • Con ai cha mẹ ấy.
  • Con biết nói, mẹ hói đầu.
  • Con lên ba, mẹ sa xương sườn.
  • Con biết ngồi, mẹ rời tay.
  • Con lên ba, mới ra lòng mẹ.
  • Con cái khôn ngoan vẻ vang cha mẹ.
  • Con cháu mà dại thì hại ông cha.
  • Con chẳng chê cha mẹ khó, chó chẳng chê chủ nghèo.
  • Con có khóc, mẹ mới cho bú.
  • Con có cha như nhà có nóc.
  • Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi.
  • Trẻ lên ba, cả nhà học nói.
  • Mẹ dạy thì con khéo, bố dạy thì con khôn.
  • Mẹ hát con khen hay.
  • Mẹ nuôi con bể hồ lai láng, con nuôi mẹ kể tháng kể ngày.
  • Một con so, lo bằng mười con rạ.
  •  . . . .

Saturday, July 27, 2013

Người ta muốn gì

 
Lời bài nhạc Tôi muốn của nhạc sĩ Lê Hựu Hà:
"Tôi muốn mình tìm đến thiên nhiên
Tôi muốn sống như loài hoa hiền
Tôi muốn làm một thứ cỏ cây
Vui trong gió và không ưu phiền

Tôi muốn mọi người biết thương nhau
Không oán ghét không gây hận sầu
Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau
Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu...

Em có thấy hoa kia mới nở

Trong giây phút nhưng đẹp tuyệt vời
Như hạnh phúc thoáng qua mất rồi
Giờ đâu còn tìm được nét vui...

Tôi muốn thành loài thú đi hoang
Tôi muốn sống như loài chim ngàn
Tôi muốn cười vào những khoe khoang
Tôi muốn khóc thương đời điêu tàn..."

Mạn phép trích dẫn lời bản nhạc "tôi muốn" của nhạc sĩ Lê Hựu Hà chỉ để lấy "cảm hứng" của nhạc sĩ, mà thực ra người ta còn muốn nhiều hơn trong bản nhạc, có thể tóm gọn là người ta muốn "tất tần tật" (nếu được!). Muốn là một chuyện, còn được hay không thì . . ."hên, xui"!
Nhiều lần trong lớp học, có dịp là tôi hỏi các Sinh viên:
"Các em sau này có muốn giàu có không?"
Đa phần trong một lớp (từ 20 đến 30 sinh viên), thì chỉ một hoặc hai sinh viên trả lời là: Muốn giàu, cá biệt có lớp không ai "muốn giàu có" . . .ít nhiều cũng phản ánh thực trạng trong xã hội: số người giàu vẫn ít hơn.
Lại có một Giáo sư trong lúc tán gẫu với đồng nghiệp, phát biểu:
"Tại sao nhà nước không khuyến khích các nhà giàu, giới trí thức, bác học . . .lấy nhiều vợ và sẽ có nhiều con, để đất nước có nhiều nhân tài (do di truyền) dẫn đến dân giàu nước mạnh . . ."
Chưa thấy giàu đâu, nhưng không lấy đâu ra công nhân và thợ . . .để làm việc, lúc đó: thừa Thầy thiếu Thợ! đúng nghĩa . . .đó cũng chỉ là mong muốn "không tưởng" vậy! 

Friday, July 26, 2013

Lo lắng

 
(Trích từ A blog by Sư Giới Tịnh)
Có hai chuyện phải lo lắng:
Hoặc là ta khỏe mạnh hoặc ta bị đau.
Nếu khỏe mạnh, thì chẳng có gì phải lo lắng
Nếu bị đau, thì có hai điều phải lo lắng:
Hoặc sẽ được bình phục hoặc sẽ chết.
Nếu được bình phục, thì chẳng có gì phải lo lắng.
Nếu bị chết, thì có hai điều phải lo lắng.
Hoặc lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục.
Nếu lên thiên đàng, thì chẳng có gì phải lo lắng.
Nếu xuống địa ngục, thì sẽ bận tíu tít bắt tay bạn bè cũ, còn thì giờ đâu nữa mà lo với lắng

Thế thì tại sao bạn phải lo???

Thursday, July 25, 2013

Làm ăn

 
"Tay làm hàm nhai . . ." = làm ăn.
Đã làm việc thì phải ăn, mà lại có câu: làm nhiều ăn nhiều . . ., nhưng "sự đời" lắm phiền toái, "thiên hạ" lại nhận xét:
  • Sao lại có người làm ít mà lại ăn nhiều! (bất công)
  • Sao lại có người làm nhiều mà lại ăn ít! (tằn tiện hay bị bệnh!)
  • Cá biệt có người chẳng cần làm gì mà vẫn ăn(nhiều!)
  • . . . .
Cổ nhân thì lại có câu: ghen ăn, tức ở . . . ít nhiều là đã lý giải những thắc mắc trên của "thiên hạ".
Thực ra người ta thường làm nhiều (giờ) hơn là thời gian một bữa ăn, theo luật lao động thì một ngày làm việc là 8 giờ, nhưng giờ ăn trung bình cả 3 bữa (sáng, trưa, chiều) thì thường không quá 2 giờ, do đó chỉ có những "tiệc lớn" thì may ra người ta sẽ ăn uống trên 8 giờ, thì lúc đó mới gọi là ăn nhiều.
Qua đó ta mới thấy còn một "ẩn số" mà hai chữ "làm ăn" đã "che đi", đó là: mua sắm vật chất . . nhờ nó mà cân bằng "công thức":   Làm = Ăn + mua sắm
Có câu chuyện "ngụ ngôn" sau để tham khảo: (trích từ Đồng Cảm VN)
Một con quạ đang đậu trên một cành cây và chẳng thèm làm gì nguyên ngày. Con thỏ thấy thế bèn hỏi:
 “Mình có thể ngồi một chỗ và không làm gì như bạn được không nhỉ?”
Con quạ trả lời:
 “Được chứ, sao lại không.” 
Thế là con thỏ ngồi bên dưới cái cây con quạ đậu và nằm ngủ. Một lát sau, con cáo vồ tới con thỏ và ăn thịt nó.
Bài học rút ra từ câu truyện: Để ngồi chơi hưởng lợi, bạn phải “ngồi” trên một vị trí rất cao.

Noi theo

(Trích từ A blog by Sư Giới Tịnh)
Nauy, một chiều đông, tuyết rơi nặng hạt. Một người đàn ông say rượu đang lảo đảo bước đi trên tuyết. Cậu con trai 10 tuổi của ông sau khi ngồi chờ cha mình ngoài quán rượu cũng lẽo đẽo theo cha về nhà.
 Cậu đặt bàn chân nhỏ bé của mình lên những dấu chân hằn sâu trên tuyết mà cha cậu để lại. Những bước chân ngả nghiêng chao đảo. Bất chợt người đàn ông quay lại, nhìn thấy con mình bước thấp bước cao, dáng vẻ như người say rượu, ông gắt gỏng hỏi nó với giọng lè nhè :

- Mày đi kiểu gì vậy ?
Cậu bé trả lời:
- Dạ con đi theo bước chân của cha!
Sự gương mẫu đối với trẻ em là yếu tố quan trọng nhất trong giáo dục. Chúng ta có thể huyên thuyên giảng giải trong hàng giờ đồng hồ song chúng chẳng nhớ bao nhiêu, thế nhưng những gì chúng nhìn thấy sẽ để lại những ấn tượng rất sâu đậm.
Rồi đến một ngày, chúng ta nhìn thấy con em chúng ta nói những lời giống hệt như ta, giận dữ hệt ta, hống hách hệt ta, lười biếng hệt ta … Và chúng sẽ trả lời với ta rằng :”Con đang bước theo bước chân của ba mẹ!”..

Wednesday, July 24, 2013

Hy sinh

 
Dù muốn hay không thì cũng mang tiếng "hy sinh", nghe thì có vẻ "trầm trọng", thực ra mọi việc ngày nay đều được cảm nhận một cách đơn giản và "bình thường" (như vậy ngày nay người ta đã "rút ra" rất nhiều kinh nghiệm của những người đi trước) . . . "hy sinh" ngày nay thì đôi khi lại được hiểu là "thế mạng", trao đổi . . . và như vậy mọi người cũng hy vọng khi "hy sinh" thì mình đã thỏa mãn được cho đôi bên về một sự trao đổi nào đó mà người "hy sinh" luôn nghĩ mình là người thiệt thòi!
Bản thân người nói chữ "hy sinh" thì người đó đã luôn tính "hơn thiệt" rồi! . . .
Nhưng nếu cứ phân tích rạch ròi như trên thì lấy ai "hy sinh" cho câu: mình vì mọi người, sau đó hy vọng: mọi người sẽ vì mình! hay như "hy sinh đời bố, củng cố đời con!" . . . .
Thực tế thì đa phần kết quả của "hy sinh" là đúng như ý, tuy nhiên "cái mục tiêu" đạt được thì lại "quay lưng" với người "hy sinh" một cách phũ phàng, do đó sự "hy sinh" trở thành sự "hy sinh" thật (cao cả-vì không hưởng gì cả theo đúng nghĩa của nó), có thể tham khảo thêm một câu chuyện cười dưới đây về "hy sinh":
 Trong một vụ đắm tàu, 10 người đàn ông và một cô gái bám vào sợi dây ròng xuống từ một chiếc máy bay trực thăng cứu hộ.
Tổ lái thông báo, một người phải buông tay, nếu không sợi dây sẽ đứt và tất cả sẽ chết. Ai sẽ là vật tế thần đây?
- Cuối cùng, cô gái kể cho cánh đàn ông nghe một câu chuyện thật cảm động về sự hy sinh. Cô kết luận rằng mình sẵn sàng hiến dâng cuộc sống để cứu họ, rồi hô to: Hy sinh cao đẹp là bất tử!
- Cô gái chưa dứt lời, cả đám đàn ông đều...
....vỗ tay!

Monday, July 22, 2013

Khi đã yêu

Thực ra lúc này mọi người đều có thể nghe bất kỳ bản nhạc nào mà mọi người thích, tuy nhiên thường mỗi ngày đầu tuần tôi "mạn phép" cùng chia sẻ với mọi người một hoặc hai bản nhạc nào đó, cũng là "đâu đó" phản ánh tâm trạng riêng cá nhân . . .và gợi lại một số kỷ miện một thời đã qua . . .

Nhạc cho tuần này, mong sao lấy lại cân bằng sau nhiều thay đổi "nho nhỏ" . . .



Sunday, July 21, 2013

Thầy và trò


Người Thầy giỏi thì hầu như không có một "trò" nào! người Thầy vốn dĩ chỉ là "phương tiện" chỉ dẫn cho "trò" (ví người Thầy như người chèo đò đưa khách sang sông); ngày xưa Phật nói với đệ tử: "kia là mặt trăng, nhìn theo ngón tay ta mà thấy. Nhưng đừng quên: ngón tay ta không phải là trăng".
Ông Thầy giỏi thì không có "trò", vì ông đã giúp "trò" không cần mình nữa, ở Thiên Đức Sung Phù sách của Trang tử có viết: Vô Chỉ nói chuyện với Lão Đam:
Khổng- Khưu (Khổng tử) hình như chưa phải là bậc chí nhân! ông ta dạy làm gì mà đông học trò thế? Ông lại còn mong được tăm tiếng về những cái học kỳ dị huyễn hoặc, vậy chứ ông không biết rằng đối với bậc chí nhân, đó tòan là những gông cùm cho mình ư? 
Lại nói về "trò" thì có câu: không thầy đố mày làm nên, thâm ý thì luôn nhắc "trò" luôn phải nhớ ơn Thầy! nhưng trong sự nghiệp học tập và làm việc sau này thì "từng lúc" phải "quên thầy" (không nhiễu) thì mới đạt được thành quả cao hơn và chí thú trong công việc, quên Thầy là quên đi con đò, ngón tay của Phật . . . 
Mà lại có câu: kính Thầy mới được làm Thầy, do đó nhiều "trò" giỏi thì sau này lại trở thành Thầy, viết tiếp câu trả lời của Lão Đam: Lão Đam nói:
Sao ông không bảo thẳng cho ông ta biết rằng Sống và Chết đều là cùng một lẽ, nên và chẳng nên đều cùng là một việc, hầu mở gông cùm cho ông ta có được không?
Vô Chỉ nói:
Trời đã hành tội ông ta, gỡ ra sao được!

Âu cũng là luật "Nhân Quả"

Saturday, July 20, 2013

Đồn

 
Trên 50% là tiếng "đồn" là đúng, vì sau đó là câu: "không có lửa sao mà có khói?", người trong cuộc thì cứ thanh minh là mình "không có gì hết", không hiểu sao mà bị "mang tội"!
Dưới 50% là sai, trong đó:
  • Trên 50% là "đặt điều" để "hạ đối thủ".
  • Khoảng 20% là do "tò mò" nên chỉ là "đặt vấn đề", xem phản ứng ra sao!
  • Khoảng 20% là "võ đoán", do thấy sao thì suy ra vậy!(*)
  • Số còn lại do nhiều lý do khác!!!
(*): Thấy người nào đi ăn sáng cùng một người khác phái, thì cho là "ngoại tình"!!!????
Trong khi ngay khi chính người nào đó công bố: "tôi là người như thế này . . . hoặc tôi là ..là ..là  .. .thì thông tin đó cũng chỉ "đúng" dưới 50% (là may lắm!!) = quảng cáo!
Vậy tiếng đồn hiệu quả hơn quảng cáo:
Một lần ngồi trong bàn tiệc, trong đó toàn là người lạ, có một người tự nhận mình là ..là ..là..., tuy nhiên cũng chẳng ai quan tâm, nhưng đột nhiên có một người trong bàn chợt nhớ ra tên người kia qua một lời đồn nào đó, và kể ra, thế là người kia từ đó trở nên "nổi tiếng"!
Tóm lại đó là lý do ngày nay người ta (cá nhân) không thiên về quảng cáo, mà họ chuyển qua "Scandal" hay "PR" ( Public Relation) có vẻ hiệu quả hơn!

Wednesday, July 17, 2013

So sánh

 
Để tìm ra những điểm giống nhau, tương tự hoặc khác nhau ra sao:
  • Sinh nhật mình năm nay có như sinh nhật mình năm trước không?
  • Hè năm nay có giống hè năm trước không?
  • Quét nhà hôm nay có giống như ngày hôm qua không?
  • . . . . . ?
Chắc chắn là khác! thậm chí là khác nhiều, ngay cả hai đồ vật được sản xuất theo dây chuyền tự động thì cũng đã khác nhau rồi; khi mua cà-phê G7 trong siêu thị, cầm lần lượt hết hộp này đến hộp nọ, thấy rõ ràng là hộp nào cũng giống nhau hoàn toàn, cuối cùng lựa được một hộp ít bị móp méo nhất, thế là cho vô giỏ!
Vậy ít nhiều công dụng của so sánh không phải là để luyến tiếc cái cũ, mà để mình có thể chọn những đặc tính tối ưu mà nó có thể . . .
Một vài tiệc cưới lúc này có món tôm càng nướng, đương nhiên "tiêu chuẩn" là mỗi người sẽ "nhận" một con, tuy nhiên thường chỉ có một hoặc hai con tôm là "quá khổ" (quá to), đây là điều nan giải cho cả bàn, nhưng cũng may là lại có "văn hóa": Kính lão đắc thọ, hay ưu tiên người "chức sắc" . . . nay mình thuộc loại "già ngay từ thời còn trẻ" nên thường được hưởng "lộc".
Xét về mặt tích cực "so sánh" giúp ta chọn được những quyết định hợp lý để đạt được "chất lượng cuộc sống" thích nghi. Có một chuyện cười lý luận như sau:
Một người chạy đua với cầm thú:
  • Nếu người đó thắng, thì người đó hơn cả loài cầm thú!
  • Nếu người đó thua, thì người đó thua cả loài cầm thú!
  • Nếu người đó chạy bằng, thì người đó như là loài cầm thú!

Tiền

Trích từ A blog by Sư Giới Tịnh
 Bạn có thể trẻ mà không có tiền nhưng bạn không thể già mà thiếu nó đâu -Tennessee Williams.

 Nếu bạn muốn biết giá trị của tiền, hãy thử đi vay một ít xem – Benjamin Franklin.
 Đừng kết hôn vì tiền. Bạn có thể vay với giá rẻ hơn nhiều mà – Scotts Proverb.
 “Cho” thì tốt hơn là “cho mượn”, nhất là khi chúng tốn kém gần như nhau – Philip Gibbs.
 
 Hồi trẻ tôi nghĩ rằng tiền là điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Bây giờ, khi đã già, tôi hiểu rằng đúng là như vậy – Oscar Wilde.

 
 Tiền không mua cho bạn được hạnh phúc, nhưng nó làm cho sự nghèo khổ dễ chịu hơn – Spike Milligan.
 Chưa bao giờ tôi gặp một tình huống mà tiền chỉ làm cho câu chuyện tồi tệ đi – Clinton Jones.
 Người nào nói rằng tiền không mua được hạnh phúc rõ là không biết đi shopping ở đâu – Bo Derek.
 Hãy cho tôi một cơ hội để chứng minh là tiền không mua được hạnh phúc – Pike Milligan.
 
 Những người sống đúng với khả năng tài chính của mình là những người không có trí tưởng tượng – Oscar Wilde.