Monday, June 30, 2014

Lòng người


Ngày nào nhìn mây thấy trời xanh,
Ngỡ nụ hoa nở đưa hương mới,
Chợt thấy con hẻm nắng loang loang,
Mới thấy hôm nay ngày đẹp trời!

Thế nên có ngày trời rất xấu,
Cho dù trong lòng dẫu hân hoan,
Trời buồn chi vậy ai biết không?
Chia buồn cùng trời có được đâu!

Hôm nào tôi buồn trời có thấu,
Trời làm mưa rơi suốt cả ngày,
Thế như trời bảo trời đã biết,
Mong trời đừng biết thế mà hay.

Có lẽ sau này không buồn nữa,
Phải nhẽ hôm nay mới đẹp trời,
Buồn vui bấy lâu chẳng tại trời!
Cũng bởi lòng người muốn mà thôi!







Wednesday, June 25, 2014

Thành công và ý chí


Cuộc sống đã cho ta gặt hái biết bao nhiêu là "sự thành công", tuy nhiên sau những thành công đó lại có những "khoảng trống" mà trước đó ta chưa lường trước được, nếu nhớ lại những lần thất bại thì ngược lại trong ta không phải là "sự chán nản" mà là một "trải nghiệm" giúp ý chí ta vững hơn.
Người ta nói: "thất bại là mẹ thành công", thật chẳng sai khi ta "suy diễn": "thành công" chỉ là một đứa con trẻ của "thất bại"; chúng ngu ngơ khờ dại "nhường nào", thành quả của thành công lúc ban đầu là vậy! nếu được "quay trở lại" sau những thành công trước, có lẽ ta sẽ làm khác đi để: thành công của thành công!
Ít người lên phương án trước sẽ làm gì sau những thành công:
- Ta sẽ làm gì sau khi học xong? (làm sao mà học xong được, vì: học, học nữa học mãi! (học cả đời))
- Ta sẽ làm gì sau khi kiếm được tiền? (làm sao cho đủ, vì: ta phải kiếm tiền suốt cả đời!)
- Thậm chí có bao giờ ta tính trước một kế hoạch sau khi trúng số bạc tỷ! (mà ta chưa hề mua vé số bao giờ!)
- . . . . . .
Lại có người nói: "sau mỗi thành công là một (chuỗi) thất bại" (như thế là "lỗ" nặng rồi).
Thành công là "tai họa" nếu ta chưa có sự chuẩn bị "đón nhận" nó.
Thành công sẽ chẳng là gì, chỉ có ý chí của con người là có "giá trị".
"Kẻ địch hung ác nhất của con người chính là sự bạc nhược và ngu xuẩn của ý chí con người"
                                                                                                   Groky (Liên xô)

Friday, June 20, 2014

Chuyện bịa!


Thế kỷ thứ tư, thứ năm trước công nguyên bên Trung quốc có Liệt Ngư Khấu viết trong cuốn sách "Liệt Tử" chuyện: Ngu Công dời núi, đương nhiên không phải chuyện thật (chỉ là "bịa"), theo lô gíc câu chuyện đề cao sự quyết tâm của con người có thể dời được cả núi. Xét cho cùng nếu do việc dời núi đó sẽ có lợi "rất, rất, rất . . . nhiều", thì mắc gì mà không làm! Nếu hiệu quả kinh tế đạt được là rất nhiều (lời to!).
Tuy nhiên chuyện từ hồi xa xưa đó với công cụ lao động còn đơn sơ thì tác giả chỉ muốn mượn ý đó để nói lên ý chí quyết tâm của con người là "vô hạn"!!!!
Chuyện thời nay cũng "mấy tác giả" người Trung quốc "bày" ra việc "lấp biển" tạo thành những đảo nhỏ, sau đó cải tạo thành "như đất liền"!!
Người xưa đã "mỉa mai" ai đó có ý tưởng "xây một tòa lâu đài trên cát" là một chuyện "không tưởng", cho dù ngày nay với khoa học tiến bộ thì cũng chẳng ai xem nên thử làm gì, khi cân nhắc tới "lợi nhuận" (???). . . . .
Hai đứa trẻ trong xóm cãi nhau, một đứa bực tức la lên:
- Mai tao về nhà nói ba má tao xây nhà 100 tầng che mặt trời cho nhà mày tối thui mà xem!
Thằng kia hét lên:
- Ôi sợ quá, sợ quá, tao sợ quá!!!

Quy luật


Thầy bói nói với cháu gái tôi:
- Số cô có chồng mà rất khó bỏ cô, nhưng cô thì có thể rất dễ bỏ chồng!
"Chị ta" hý hửng về khoe với mọi người về "khả năng" đó!
"Thầy bói chuyên nghiệp" trước tiên là người "rất tâm lý"; trước tiên "họ" có những nhận định "sự vật hiện tượng" theo quy luật chung nhất . . . và được "hệ thống bài bản" . . . . ngoài ra "trực giác" của họ minh chứng là "người từng trải", nếu ta tự hỏi: Tôi sẽ ra sao trong tương lai?, nếu tự ta không có câu trả lời được cho chính mình thì đúng là phải "nhờ thầy bói" thôi! . . . . 
Tuy nhiên khi nghe cháu gái tôi kể lại như trên, tôi đành nói:
- Cháu à, thật vậy! xưa nay đàn ông thường chẳng bỏ ai (phụ nữ) làm gì, mà ngược lại họ còn muốn thêm nữa thôi. Còn phụ nữ là thế đấy, họ thích người này thì bỏ người kia; xem ra họ luôn "chung thủy" với một người "hiện hữu"! khó trách họ được!
Cháu tôi hỏi vặn:
- Thế còn chú?
Tôi trả lời ngay:
- Đôi khi chú phải sống sai quy luật!



Wednesday, June 18, 2014

Tiếng Anh


Anh ruột tôi đã mất bên Mỹ (2008), trước đó anh là Giáo viên dạy môn Anh văn tai trường THCS Đồng Khởi (1990), trước nữa anh dạy Anh văn tại trường THPT Nguyễn Du, đầu năm 1991, "phong trào" học Anh văn bùng nổ, anh như được thời dạy "không kịp" với nhu cầu "thị trường".Thế mà đến tháng 9/1991 anh cùng vợ con định cư bên Mỹ (theo cùng gia đình bên vợ), với nghề nghiệp của anh mà qua Mỹ thì giống như câu "chở củi về rừng", đương nhiên anh phải "hy sinh" nghề này (vì bên đó không ai có nhu cầu!) và đành phải chuyển qua nghề "lao động phổ thông" cho đến khi mất!
Một giảng viên trẻ trường tôi năm 2001 "trúng" học bổng đi nước ngoài (2 năm) do "thắng" bởi phần phỏng vấn bằng tiếng Anh để qua đó học chuyên môn. Về nước được vài năm lập gia đình xong lại định cư bên Mỹ cũng theo diện theo gia đình bên vợ. Qua Mỹ tình trạng của "thầy trẻ" này không khác anh tôi là mấy, tiếng Anh cũng chẳng để làm gì (thực ra thì cũng đỡ hơn những người không biết!), trong khi với nghề chuyên môn thì không hợp với "chuẩn" của Mỹ thành ra "có cũng như không".
Tôi học và biết tiếng Anh "dừa, đủ , xài", trong khi thằng em họ tôi là tài xế chuyên chở những "yếu nhân" người nước ngoài, nó tâm sự:
- Em chỉ cần "biết" tiếng Anh cỡ như anh là em khỏe re, mà khổ nỗi em không có thời gian đi học, đành chịu! nhiều khi nó gợi ý sắp hết thời gian công tác ở Việt Nam, trước đó nó hỏi em nó dư một số đồ dùng mà muốn cho em nhưng lịch sự nó hỏi ý em có muốn nhận những thứ đó không, em chẳng biết nó nói gì nên trả lời: "nô" (no), sau này em mới biết vì em trả lời thế nên nó cho người khác!

Monday, June 16, 2014

Than van


Người ta than rằng: "Sao tôi sống lương thiện và rất đàng hoàng, mà sau bao năm vẫn cực khổ quá trời!".
Thật ra đã là người lương thiện và đàng hoàng thì chẳng phải than van như thế làm gì!?
Có những sai lầm đưa người ta thành người lầm lỗi, mà ngay chính bản thân người đó không nhận ra, như thế đã trở thành "phản diện"!
Kể ra những người được gọi là "người giàu cũng khóc" thì cũng than "trời như bọng", vậy ai là người không than van.
Người không than van là người sống rất lương thiện và thật đàng hoàng. Tôi phải kể lại một câu than "kinh điển" của một "người giàu cũng khóc": người này kể lại bữa tiệc tối qua được người khác chiêu đãi (đương nhiên miễn phí) như sau:
- Tưởng được chiêu đãi là khỏe à! trời ơi người ta bắt tôi ăn một con ghẹ, hai con tôm càng nướng . . . .uống 5 lon bia Đức . .rồi sau cùng là lẩu hải sản . . .muốn bể cả bụng, khổ ghê!

Không than van không phải là người (khổ)
Dù ở biệt thự, có xe hơi (đẹp)
Du lịch nước ngoài như đi chợ (chiều)
Chỉ khổ cái đầu với hai tay (mỏi)
Ăn toàn đồ lạ chẳng thấy ngon (miệng)
Về nhà than thở thề không đi (nữa)

Friday, June 13, 2014

Mưa mới


Thời nay mưa sao không thấy buồn,
Chắc hẳn nắng hạn cũng đã lâu.
Dù cho ướt áo lại càng vui,
Mặc cho ngập đường, xe hỏng máy,
Bì bõm dắt xe nước chảy xiết.
Còn hơn ngồi nhà mà nhìn mưa!

Hỏi sao khi xưa mưa lại buồn?
"Đường xa ướt mưa" của Đức Huy.
"Mưa khuya hắt hiu . . " trong bài nhạc;
"Phố vắng em rồi" lòng giá lạnh.
Mưa làm ngăn cách hai tâm hồn,
Mong sau cơn mưa trời lại sáng!

Cớ gì con người trách trời mưa,
Đường ngập nên không ai đến được.
Phấn son nhạt nhòe trên khuôn mặt,
Sợ ai thấy được thời hết duyên.
Đâu biết chỉ cần tay trong tay,
Dù mưa dù nắng vẫn có nhau!

Wednesday, June 11, 2014

Buôn chuyện


Các câu chuyện làm quà giữa hai người thường là "buôn chuyện" về một người thứ ba đang vắng mặt, trên 50% là nói xấu về người đó, mở đầu bằng câu:
- Tôi nói điều này, xin đừng nói với ai nhé . . . .
Sau đó là những "thông tin" bí mật bị "bật mí" và . . . . "cường điệu" được thêm "mắm, muối" cho "đậm đà!
. . . . . không bao lâu, người "thứ ba" (bị nói xấu) lại được nghe kể lại từ chính người đã hứa là "không nói cho ai nghe" những "thông tin" không tốt về mình. 
Ngược lại khi nghe "câu chuyện làm quà" của một người chuyên đưa "thông tin" về người thứ ba (đang vắng mặt) mà biết chắc luôn luôn là đều nói tốt cho người đó, thoạt nghe vài lần đầu thì cảm thấy người này rất "văn minh, lịch sự" (vì không nói xấu người vắng mặt), nhưng khi biết đó là cách mà người đó chuyên làm, ngay như ai cũng biết khi đang nói về một người "xấu" mà ai cũng công nhận, lại được người này "tâng bốc", khen "nức nở" như một 'người mẫu"! Thế là người này từ đó được gọi là: "người chuyên nói tốt người vắng mặt".
Tôi xin nói nhỏ với mọi người: "người đó bản chất là người xấu đó, hắn phải làm vậy để đưng ai nói xấu hắn sau lưng, mọi người biết vậy thôi, đừng nói cho ai biết nhá, hứa rồi nhe!"

Sunday, June 8, 2014

Tài và sắc


Vợ chồng đứa cháu vừa than phiền, cô vợ nói:
- Cháu mới có đứa con vừa đúng một tuổi thế mà "thiên hạ" đã có nhận xét là: "thằng chồng mày lúc này có vẻ đẹp trai hơn lúc xưa, còn con vợ sao mau già và xấu thế!" Chú thấy có đúng vậy không?
Tôi mỉm cười và cũng không cần nhìn lại mặt cháu gái để đưa ra nhận xét, tôi giải thích:
- Cháu phải hiểu là "thằng đàn ông" quan trọng nhất là "bản lĩnh" và "tài năng", còn thực ra khi khen một người đàn ông là đẹp trai thì chỉ là "khen nịnh" mà thôi, nếu đúng là nhờ "vẻ đẹp" này của người đàn ông để thăng tiến và xem đó là tài năng thì thật là xấu hổ vô cùng. Còn với phái nữ, dù sau này đến 80, 90 tuổi hoặc hơn nữa thì vẫn được gọi là phái đẹp, vậy vẻ đẹp thực sự của người phụ nữ là "công, dung, ngôn, hạnh", trong đó dung là dáng vẻ con người, mà đẹp hay xấu thì do tùy người đối diện, dáng vẻ này là diện mạo của người phụ nữ phản ánh cách ăn nói, cách cư xử và sự chăm chỉ tạo thành phong thái của họ, đó mới là vẻ đẹp vĩnh cửu, người ta nói: trai tài xứng đôi cùng gái sắc, mà sắc (đẹp) đây là vẻ đẹp "vĩnh cửu" của người phụ nữ đó. Nói chung vẻ đẹp trên khôn mặt cùng làn da mịn màng thì giữ được bao năm! chỉ có cái "đẹp" của "tứ đức" thì mới vững bền mà thôi, thấy người phụ nữ vẻ mặt già nua, nét lam lũ thì ẩn hiện trong đó một sự hy sinh, lao động cho người thân mà lại quên thân mình, thật nét đẹp đáng trân trọng vậy!
Cháu gái tôi vẫn còn lo lắng:
- Nhưng giờ chú có thấy cháu có xấu đi không?
Tôi trả lời:
- Ai rồi cũng già và xấu trên khuôn mặt này, chỉ có sự hy sinh cho người thân và tấm lòng bao dung thì sẽ là nét "đẹp vĩnh cửu", cháu chẳng phải lo xấu cái mặt làm gì!
Cháu gái tôi nghe xong nhưng tôi thấy "chị ta" có vẻ vẫn còn lo, nhưng thôi không hỏi nữa!