Thursday, October 23, 2014

Không vô cảm



Trong xóm thấy nhà ông tổ trưởng sửa chữa nhà và có "ý đồ" xây lấn con hẻm phần trước mặt nhà ông ta khoảng gần một mét, nhưng không ai lên tiếng vì có vẻ hơi "nể vì"! may tôi hay sửa chữa đồ điện cho ông ta (uy tín và lấy giá "hữu nghị") chiều tối tôi đến gặp ông ta, sau vài lời hỏi thăm, tôi hỏi dò:
- Bác tính để phần phía trước mới này (phần có vẻ sẽ "lấn chiếm") trống hay rào lại?
Ông ta phân trần:
- Tôi thì nghĩ nên để trống, nhưng thằng con lớn nó bảo xây rào lại để làm chỗ để xe vì nhà lúc này hơi chật, chú thấy sao? (ông ta lại hỏi ngược tôi).
Tôi trả lời:
- Bác nên nói với anh ấy đừng nên rào lại làm gì, rộng chẳng được là bao mà để xóm ngõ "điều tiếng" là bác "ỷ quyền", sau này họp tổ khó nói với mọi người, sẵn chỗ mới tráng xi măng đẹp này bác để mấy chậu kiểng thì trong xóm không ai phản đối đâu!
May mà ông ta không "cự cãi" lại nghe theo . . . . . .
Lần khác một nhà mới về ở ngay đầu hẻm, lúc xây dựng nhà thì không vấn đề gì nhưng khi xong nhà thì nhà này cho xây một bức tường rào thật "vuông góc" - được chủ nhà giải thích là theo đúng với kích thước miếng đất được công nhận . . . . . .kỳ này đích thân ông tổ trưởng đã "quán triệt" vấn đề "xóm ngõ" nên ông ta phải giải thích cho nhà này:
- Một là anh rào bằng lưới B40 thì anh có quyền rào đúng theo kích thước, vì đó là an toàn cho mọi người dân đi lại trong hẻm không bị che tầm nhìn, hai là anh xây tường thì anh phải xây bo tròn . . . vậy tùy anh chọn . . . . . .
"Sự thật thì mất lòng", thấy "bất bình" thì phải "lên tiếng" cho dẫu "ra sao thì ra"! (tuy nhiên phải "lựa lời mà nói"), tôi vẫn tâm đắc với câu: "ta càng nhân nhượng, "địch" càng lấn tới" (của ai "nói" chắc mọi người đều "biết" rồi!)

Wednesday, October 22, 2014

Biết để làm gì?

Socrates Louvre.jpg
Tượng Scrates
Biết và không (chưa) biết là hai "cực" đối nghịch, hỏi:
- "Ông" biết "cái này" chưa!
Trả lời:
- Ôi! lạ quá, chưa bao giờ thấy, nói chi biết!
Hỏi:
- Thế "Ông" là dân điện thì "ông" có dám chắc ông biết hết mọi thứ liên quan đến điện?
Trả lời:
- Không thể! tôi chỉ "biết" một phần liên quan trong chuyên ngành của tôi thôi!
Hỏi:
- Vậy "ông" dám chắc ông biết hết những gì thuộc chuyên ngành của ông "phụ trách" không?
Trả lời:
- Ừm . . .ờ . . . cũng không hẳn đâu, còn nhiều thứ trong đó tôi còn chưa biết rõ . . . 
Hỏi:
- Vậy ra "ông" cũng chỉ biết "lờ mờ" thôi!
Trả lời:
- Chữ "biết" này thông thường chỉ để "mô tả tương đối" thôi, do vậy để hiểu theo "ý tuyệt đối" thì cách nay trên 2000 năm, nhà triết gia Hy Lạp Socrates (469(470)-399 Trước Công Nguyên) có nói một câu sau: ""Tôi biết rằng tôi không biết gì cả" (Hy Lạp cổ: ἓν οἶδα ὅτι οὐδὲν οἶδα hen oída hoti oudén oída; tiếng Latinh: scio me nihil scire hay scio me nescire).
. . . . . . . . . . . . .
Ngoài ra còn có trường hợp người biết lại muốn không biết:
Bệnh nhân ngồi lo lắng trước phòng trả kết quả xét nghiệm một căn bệnh "hiểm nghèo" (bệnh vừa nguy hiểm mà vướng vô chỉ có thể nghèo thôi vì phải bán tháo đồ đạc, vạy mượn để trị bệnh mà chưa chắc hết!).
. . . . . . . . .
Do vậy có người buột miệng nói:
- Biết rồi chán lắm!!!!!


Saturday, October 18, 2014

Người vô duyên


Mới vài ngày thôi, gặp lại nhau (do có cùng tiết dạy học) một người mở lời trước:
- Ơ! . . . tôi trông đầu "thầy" có vẻ sói hơi nhiều!
Vì bận lên lớp nên người kia trả lời:
- Vâng, di truyền mà.
Lần khác, vẫn hai người này gặp nhau . . . vẫn người đó mở lời trước:
- Tôi thấy "thầy" có vẻ béo lên, coi chừng tăng huyết áp đấy!
Người kia ráng trả lời:
- Vâng, có hơi mập lên một tí.
Rồi đến lần "này", người đó vẫn nói trước:
- Tôi thấy "thầy" có vẻ già trước tuổi!
Người kia đành trả lời:
- Vâng, cám ơn "thấy" quá "khen", nhờ "bộ vó" này nên trong các đám tiệc tôi luôn được ưu ái, tiếp đãi nồng hậu . . . .không biết khi nào "thầy" mới được như tôi!!!
Nhờ nói vậy, từ đó khi gặp mặt nhau không thấy "thầy" đó hỏi han gì nữa, thế nhưng sau một tháng hai người ngẫu nhiên ngồi gần nhau trong một buổi họp chuyên môn, động lòng người đó vẫn là người hỏi trước:
- Tôi có những nhận xét trước đây với "thầy" mà không thấy "thầy" lo gì à!
Người kia giải thích:
- Vâng, cám ơn sự quan tâm của "thầy" về tôi, nhưng những điều quan tâm đó, tôi nghĩ "thầy" nên về nhà quan tâm với những người thân của "thầy", theo tôi đó mới là mối "lo" chính của "thầy" chứ không phải của tôi! Riêng tôi thật tình chẳng có gì phải "lo"cả. Thế nhé!
Nghe vậy người kia lầu bầu:
- Chuyện tôi thì chính tôi phải "lo" chứ sao!
Người kia kết thúc:
- Thôi được rồi chứ, bây giờ mình lo họp về chuyên môn nha! Mọi người tới đủ hết rồi.

Thursday, October 16, 2014

Nuôi người thất nghiệp!



Tôi có người thân có số "ăn mày" vừa theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bộ dạng của "anh ta" luôn cho mọi người thấy là "hơi dơ" cho dù vừa tắm xong! Tóc để dài theo kiểu "hippy", bệt lại với nhau cho dù mới gội đầu. Ở nhà thì luôn cởi trần (cho dù nhà đang tiếp khách), chỉ bận một chiếc quần lửng ka-ki hoặc jean cũng luôn cáu bẩn . . . ., ra đường thì chỉ cần xỏ vào cái áo thung lùng bùng.
Với hình thức như vậy đủ để vô "hội ăn mày" rồi, còn nói về công việc thì không có một nghề cụ thể nào . . .ở nhà thì làm việc nhà như lau nhà, rửa chén . . . .thu nhập chính được chia ra hai giai đoạn:
- Giai đoạn đầu được tính từ lúc mới sinh đến năm 50 tuổi, sống toàn bộ do cha mẹ ruột nuôi, trong đó kể cả những lúc lấy vợ (lúc 19 tuổi) rồi lần lượt có 3 đứa con . . . .
- Giai đoạn sau(sau 50 tuổi) thì do các đứa con nuôi (gọi là "tự lập" vì không nhờ cha mẹ ruột nữa).
"Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã", ngoài ra người này còn cho biết những người bạn của "anh ta" thì có "hoàn cảnh" gần như y như thế, vậy có lẽ đây là điều lý giải con số 1,84% tỉ lệ thất nghiệp của quý II/2014 của cả nước là "rơi" vô nhóm này làm "đại diện"!
Đặc điểm chung của nhóm người thất nghiệp này có cuộc sống thật "sung túc", vài người trong nhà tôi tỏ vẻ "ghen tị":
- Số mấy người này sướng thật, "như ăn mày" mà lại sống như ông hoàng!
Tôi an ủi:
- Trông thì vậy nhưng "họ" có nỗi khổ riêng khác, chẳng suy bì làm gì!
Mọi người phản đối:
- Có thấy khổ gì đâu, chẳng phải đi làm, chẳng lo bị đuổi việc, chẳng thức khuya dây sớm . . . . . .mà lại có người nuôi!!
Tôi nhớ có lần đi Canada gặp mấy người dân Da đỏ, được người Canada cho biết những người dân Da đỏ này thuộc dạng "bảo tồn, bảo tàng" của nước họ, nên được chính phủ nuôi suốt đời, tuy nhiên do "ăn không ngồi rồi", sinh ra nhiều "tật" và theo quy luật "sinh tồn" nên trung bình tuổi thọ chỉ hơn 40 tuổi! Lấy ý tưởng đó tôi trả lời:
- Thế ai thích sống kiểu đó, tôi sẵn sàng "nuôi" cho, tôi nói trước: nuôi một học sinh hay sinh viên thì không vấn đề gì, nhưng nuôi một người như "công nhân thất nghiệp" thì chính người đó mới phát mệt chứ không phải người nuôi mệt đâu!! Dám thử không???
Mọi người lặng lẽ tản ra . . . . . . .

Wednesday, October 15, 2014

"Đông Quách tiên sinh"


Trong "Cổ học tinh hoa" có truyện:
Vua Tuyên Vương nước Tề thích nghe sáo, và lúc nào muốn nghe, bắt ba trăm người cùng thổi một loạt. Trong bọn ba trăm người ấy, có Đông Quách tiên sinh không biết thổi sáo, nhưng cũng lạm dự vào đây để kiếm lương ăn.
Đến khi vua Tuyên Vương mất, vua Mẫn Vương nối ngôi, cũng thích nghe sáo. Nhưng chỉ muốn nghe riêng từng người một mà thôi. Đông Quách tiên sinh thấy thế, tìm đường trốn trước.
Hiện nay trong các công sở, kiểu người như Đông Quách tiên sinh lại "rất đông" . . . .mà nguy nhất lại xuất hiện trong ngành Giáo Dục . . . . .
Xưa cũng có câu: "lắm thấy thối ma", mà nay vận vô đối tượng là Học Sinh(HS), Sinh Viên(SV) thì cũng đáng để "ngẫm" . . . . .
"Quá nhiều" Thầy, Cô mà các HS, SV được "thụ giáo", trong đó "nhóm" Thầy, Cô" dạng "tâm huyết" chiếm không nhiều*; dù rất "tâm huyết" với nghề thì lại chia ra những quan điểm "chủ quan" của mỗi người: từ phương châm, phương pháp, quan niệm và kể cả cá tính của mỗi Thầy, Cô. Rồi cộng với "nhóm đông" kia - dạng Đông Quách tiên sinh" thì HS, SV thật là "không biết nghe ai! (với dàn đồng ca này!).
Một bản nhạc hay: với dàn nhạc có ca sỹ và nhóm nhạc công đều giỏi thì "chất lượng" thật tốt!
                               với dàn nhạc trà trộn một ít "Đông Quách tiên sinh" thì "chất lượng" giảm ngay một ít (có thể không nhận ra)
                                   với dàn nhạc có quá nhiều "Đông Quách tiên sinh" thì nghe "tệ" thật.
                                   đương nhiên với đơn ca (ca sỹ) thì không thể có chỗ cho "Đông Quách tiên sinh"!
Là khán giả mà phải "thưởng thức" kiểu "tra tấn" như vậy thì lỗi do ai; thật "thô thiển" mà ai đó vội nói: "khán giả" không biết (thưởng thức) nghe nhạc!? (trong khi họ rõ ràng xem quảng cáo rồi mới mua vé để "thưởng thức")
Thế nên HS, SV ra trường với "chất lượng kém" thì cũng là lỗi của chính những HS, SV đó phải không!?
Làm sao "gặp được" "Đông Quách tiên sinh" để hỏi cho ra lẽ!!!!????
* Vì sau mỗi năm số lượng được công nhận là "Nhà Giáo Ưu Tú", "Giáo Viên Nhân Dân" thì không tăng là bao (cụ thể Trường có gần 2000 nhà Giáo thì mỗi năm chỉ có khoảng 1 đến 2 người được công nhận (có năm không có ai!))

Sunday, October 12, 2014

Nghi ngờ và oan


Năm 1987 dọn nhà về cư xá 304, Quận Bình Thạnh, là gia đình thứ 3 thuộc "dân" mới tới! điện nước chưa có, nhưng bên "công trường" cho lấy nước thoải mái (nhưng phải hứng bằng xô rồi xách về), riêng điện thì chỉ cho tới 9 giờ tối, may sao phát hiện ra có một "đệ tử" là em ruột của "ông chỉ huy công trường", thế là "hắn" cho một đường dây điện riêng từ "ban chỉ huy" kéo thẳng về nhà tha hồ mà xài 24/24.
Sau tháng đầu tiên mọi việc "đâu vào đó", cảm thấy "hạnh phúc" vô cùng! khoảng cuối tuần thứ 5, ngày thứ bảy đẹp trời nhà làm một tiệc nhỏ, đang lúc "cao trào" cỡ 8 giờ tối thì bị mất điện, nhưng khi nhìn xung quanh thì thấy nhà nào nhà nấy vẫn có điện bình thường (điều này loại trừ do Cty Điện lực cúp), mọi người biết chuyện đoán liền:
- Ôi mấy thằng bên công trường không muốn cho mình có điện đây mà.
Tôi phải qua "ban chỉ huy" công trường xem sao, gặp ngay ông anh của thằng "đệ tử" ở đó, tôi nhờ anh ta xem lại đường dây điện được lấy từ ổ cắm điện có còn được cắm không, thì rõ ràng thấy vẫn được cắm chặt vào đó.
Tối đó đành phải ăn tiệc với mấy cây đèn cầy nên cũng kém vui.
Sáng hôm sau tôi lại tới "ban chỉ huy" để kiểm tra lại thì phát hiện cái phích cắm điện dỏm không "ăn điện" (do cái này tận dụng từ đồ "ve chai"), thay cái mới thì "đâu lại vào đấy"!
Chuyện cũ tưởng đã quên, nhưng nay nó lại "tái diễn" nhưng "đổi chủ":
Số là tôi có mạng internet wifi, nhà kế bên là "thân tình" nên tôi cho họ mật khẩu của Wifi "miễn phí", gần đây "nhà mạng" hay có sự cố nhưng đều khắc phục ngay sau đó, tuy nhiên mỗi lần khởi động lại thì nhà mình (chính chủ) vô lại mạng không sao cả, thế nhưng nhà kế bên cứ tỏ vẻ "nghi ngờ" mình không muốn cho họ xài nữa (qua thái độ và cách nói chuyện).
Sau này phát hiện họ cài đặt máy với chế độ "khó hiểu"(?) (không tự động nhận mạng lại sau sự cố, phải chọn "thủ công"- trong khi trong nhà bên đó thì có người biết người không).
Nghi ngờ "lòng tốt" khi chưa rõ "trắng đen" cũng là một căn bệnh "cố hữu" của nhiều người, may mà tôi không "nghi ngờ" từ thời xưa nhưng nay cũng bị "mắc oan", không sao cả, "chuyện nhỏ" mà!!!!

Saturday, October 11, 2014

Đức cù lao


Ngày xưa, ngày xưa, ngày xưa đó!
Áo xanh ngày hai buổi tới trường,
Lo học, sợ học vẫn thích học.
Nhớ "Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy"
"Gắng công học, mai này thành danh"
Giấy trắng ghi cam kết cùng cha;
Sau này mà đi làm lãnh lương.
Giữ một phần nhỏ để phòng thân.
Chín phần còn lại là kính cha.
Rồi tới ngày lương lĩnh đầu tiên,
Bồi hồi lời hứa viết xưa kia.
Cha cười khẽ bảo cha không lấy.
Thế là mãn nguyện tấm lòng cha,
Từ nay con đúng thân trưởng thành.
Đủ nghĩa đáp công lớn mẹ cha!
Dòng đời trôi mãi, mãi vẫn trôi.
Một tình yêu thương nay thấu hiểu,
Thì người xưa mãi có còn đâu!

(nhân ngày giỗ mẹ, cha hằng năm)


Friday, October 10, 2014

Cần và muốn


Một số người cho rằng "muốn và cần" là hai khía cạnh trái ngược của sự vật; muốn là điều mong đợi quá sức và không thực tại (ao ước, mong mỏi), trong khi cần là những gì luôn có thực (phải có mới được), đó thuộc về ngữ nghĩa!
Trong cuộc sống để trả lời một sự muốn mà đa số mọi người đồng lòng là: muốn giàu sang. Thật ra người ta chưa khái niệm rõ nét về sự giàu sang cụ thể ra sao; người khác thấy người kia như thế là đã và đang giàu sang rồi nhưng vẫn thấy người đó vẫn muốn phải được hơn nữa, ít nhất phải hơn "cái thằng hàng xóm"! có nhà cấp 4, có xe gắn máy, TV, tủ lạnh, máy giặt . . . .là điều muốn của những người khởi đầu bằng hai bàn tay trắng.
Để muốn là trở thành hiện thực (thuộc về tương lai, không phải mơ ước) thì phải "biết người biết ta", biết lượng sức và đặt ra điều muốn trong tầm tay: muốn là được sẽ không là ảo tưởng . . . .
Cần là đại diện những gì thuộc hiện tại, tuy nhiên cũng không hẳn lúc nào cần thì cũng có; đang cần tiền mà chẳng có bất kỳ một "nguồn" nào thì có cần cũng không được.
Có người nọ đang ở nhà trọ nên phát biểu:
- Tôi cần có căn nhà riêng để ở, không thể ở trọ mãi.
Người khác hỏi:
- Tiền đâu mua nhà?
Người nọ nói:
- Thì đó, tôi "muốn" mượn tiền anh đấy!
Người kia trả lời:
- Tôi chỉ cho anh mượn tiền mua xe gắn máy hoặc TV, tủ lạnh . . . còn về căn nhà mà anh bảo anh cần thì thực ra đó là điều anh muốn và với hoàn cảnh của anh là sự muốn quá sức nên nay chỉ là mong ước mà thôi!
Vậy cần thì có ngay, muốn mà được thì đó là thì tương lai của cần.
Cần mà không có, đó không phải là cần mà bản chất là muốn, là ước muốn (ảo tưởng)!

Sunday, October 5, 2014

Tương lai & tai ương


Hai thằng cháu của người "bạn của bạn" mới đậu Đại học ngành kiến trúc, quê Quang Nam nhưng vẫn muốn học tại Sài gòn, khi mới nghe giới thiệu thì suy diễn: bõ công học Đại học thì phải học tại Sài gòn mới có nhiều "cơ hội" . . . . nay ngẫu nhiên gặp mặt cả hai đứa thì bao nhiêu điều "tưởng tượng" đều là ngộ nhận! Đầu tiên là đầu tóc thì đúng "mô-đen" dân "chơi"; tóc dựng đứng "hai lai" nâu đỏ, thêm ông chú (bạn của bạn) khoe:
- Tui "nhỏ" này thuê nhà trọ là "nguyên căn" (không muốn ở cùng cha-sợ làm "phiền" việc "làm ăn" của ông ta), hẻm rộng, yên tĩnh, ba của chúng bảo mua cho mỗi đứa chiếc Honda, nhưng chúng không thèm; bảo phải mua Exciter 2014 (Yamaha) thì mới "dễ" đi!
Hôm nay lại đòi phải mua cai máy vi tính "core" i5 đời mới nhất thì mới học "thành tài" được. Thế nhưng người cha đang chức trong một "công ty công ích" TP. HCM nói với chú nó:
- Chú cứ dắt tụi nó đến cửa hàng vi tính nào lớn trong thành phố để cho chúng tha hồ mà lựa, chú giúp giùm, anh bận lắm.
Người chú phân trần:
- Cả nhà nay đều sống nhờ ông anh này, ngay như tôi cũng được anh giới thiệu đi làm trong công ty ông ta, thôi cũng phải chiều ổng thôi, chứ thật ra tôi ghét hai thằng này lắm, nhìn thôi là đã không ưa rồi!
Ôi . . nhân "tài" (tai) tương lai của đất nước đây sao!!!