Wednesday, September 11, 2013

Kỷ vật không mất


Năm 1973, tôi học lớp 10 Trường Trung Học Kỹ Thuật Cao Thắng, ngoài đồng hồ đo điện không thể mua "nổi", tôi phải xin mẹ (nhà tôi gọi là mợ) 300 đồng để mua một cái kềm đầu tròn (để uốn dây đồng thành "khoen" nối vào các "cọc" điện) trong khi lương của ba tôi là 24 ngàn đồng (nuôi 10 miệng ăn). Còn lại các dụng cụ khác thì ở nhà đã có sẵn, có một lần túi đồ nghề để phía trước giỏ xe đạp bị thủng một lỗ, đủ cho một cái dũa bằng, dài 4 tấc chui qua và xiên qua bánh xe trước mà xe đang chạy, đúng là câu "thọc gậy bánh xe" theo nghĩa đen, xe đạp tôi dựng đứng 90 độ so với mặt đường, tôi còn kịp ghì tay lái, mặt nhìn đường trong tư thế đó khoảng 1 giây và sau đó xe từ từ đổ ngang, may mà đường vắng chỉ có một chiếc Ta-Xi  ngay sau tôi đã kịp thắng vội . . .
Cái kềm đầu tròn nay không còn nữa, nhưng trong tôi vẫn luôn ghi nhớ "nó" như một phần "điều kiện" đưa tôi đến một nghề "vững vàng" đến ngày nay, tôi vẫn không quên hình ảnh mẹ tôi với ánh mắt thoáng "nghi ngờ" khi tôi xin tiền để mua cây kềm này:
"Dụng cụ nhà mình nhiều lắm mà con?" Mẹ tôi hỏi lại, tôi giải thích:
"Dạ, đúng là nhiều nhưng nhà mình chưa có loại kềm đặc biệt này dành cho ngành điện ạ"
Nếu mà nói theo Lô-gíc: khi mình biết đích xác một vật nào đó ở đâu thì nghĩa là nó không bị mất, thì cái kềm này cũng vậy, năm 1979 nhà Cô tôi ở Bình Thạnh bị hư điện, thế là tôi có nhiệm vụ đến sửa, vì hư nhiều chỗ nên tôi vẫn để lại một ít dụng cụ (trong đó có cái kềm này) tại nhà Cô, để tiện sửa cho mấy lần sau. Đột nhiên Cô tôi lại bán nhanh căn nhà đó và trở về Hà Nôi, . . .  thế là cái kềm này theo Cô ra Hà Nội!
Ngày nay rất ít người sử dụng loại kềm này, vì bây giờ họ đã có những cái "khoen" làm sẵn, thế là một thao tác "thủ công" sắp bị "mai một"!

No comments:

Post a Comment